Thứ Năm, 28/11/2024 01:37 SA
Nghịch lý trên thị trường sữa ngoại
Thứ Tư, 25/02/2009 07:20 SA

Một nghịch lý đang xảy ra trên thị trường: Trong khi giá sữa nguyên liệu giảm, các hãng sữa bột lại thông báo tăng giá khiến người tiêu dùng bức xúc.

 

Sua-moi-nhat-090225.jpg
Khách hàng chọn lựa sữa tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

RỤC RỊCH TĂNG GIÁ VÔ CỚ

 

Các chủ cửa hàng bán sữa ở TP Tuy Hòa cho biết họ nhận được thông báo từ ngày 23/2, các dòng sữa của Abbott tăng giá bình quân 5 – 7%. Tuy nhiên, đến nay giá các sản phẩm sữa tại các cửa hàng này vẫn chưa thay đổi vì chưa nhận được thông báo chính thức. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, chủ cửa hàng Như Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: “Không riêng gì Abbott, nhiều nhà cung cấp khác cũng đã thông báo sẽ điều chỉnh giá sữa trong thời gian tới. Thông báo này nhằm “dọa” tăng giá để khách tranh thủ mua hàng để dành. Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng từ sau tết rất chậm”.

 

Nhân viên một đại lý sữa nói: “Sau khi sữa Abbotte tăng lên, nhiều hãng sữa bột ngoại nhập khác sẽ tăng theo. Các nhà cung cấp giải thích lý do tăng giá sữa lần này không vì thuế nhập khẩu mà do tỉ giá USD/VNĐ gần đây tăng cao”. Tuy nhiên, các dự báo cũng như thông tin “dọa” tăng giá sữa hiện chỉ lan truyền từ những người bán lẻ, còn các nhà cung cấp, phân phối vẫn im lặng. Chị Huỳnh Phạm Ái Đăng, chủ cửa hàng Phương Uyên (TP Tuy Hòa), cho hay: “Mỗi khi nghe nhà cung cấp thông báo hết hàng hoặc đổi mẫu mã mới là những dấu hiệu rõ nét, cảnh báo giá sữa sắp tăng lên”. Theo nhiều chủ cửa hàng, một chiêu bài mà các hãng sữa lớn hay thực hiện là ém hàng lại không bán một thời gian, khi hàng “sốt” là thời điểm chín muồi để tăng giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, công bố giá mới là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi từ trước tới nay có khá nhiều hãng sữa tăng giá nhưng không hề thông báo trước.

 

Sau sự cố sữa có melamine hồi năm ngoái và sự kiện sữa có độ đạm cực thấp mới đây, người tiêu dùng càng khó khăn hơn trong việc chọn sữa và họ thường tin tưởng vào những hãng sữa lớn. Chính điều này tạo cơ hội cho các hãng sữa lớn tăng giá. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ tăng thuế nhập khẩu đối với sữa tươi nhằm khuyến khích thu mua sữa trong nước; không đề xuất tăng thuế đối với sữa bột. Hơn nữa, gần đây giá sữa nguyên liệu đã liên tục giảm nhưng các hãng nhập khẩu sữa bột vẫn cứ tính toán tăng giá.

 

CẢ NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ GIỚI KINH DOANH SỮA ĐỀU BỨC XÚC

 

Theo nhiều chủ cửa hàng lẫn giới kinh doanh trong ngành sữa, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các “đại gia” như Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady, Dumex lẫn Vinamilk... đang diễn ra rất khốc liệt. Trong đó, hai dòng sản phẩm sữa liên quan đến dòng sữa “miễn dịch” hoặc “thông minh” được tập trung nhiều nhất. Tùy vào thị phần nắm giữ của từng thương hiệu sữa, nhà sản xuất tha hồ làm giá vì biết chắc người tiêu dùng sẽ bị lệ thuộc vào sản phẩm đã mua. Chị Trần Thị Thu Hằng, một khách hàng, nói: “Dù tăng giá mấy tôi cũng phải mua Pediasua vì con tôi đã quen dùng, đổi sang sữa khác là cháu không chịu uống, khi uống lại bị ọi”. Theo tính toán của chị Hằng, với mức giá tăng thêm, mỗi tháng chị phải bù ít nhất gần 100.000 đồng từ ngân quỹ chi tiêu của mình. Chị Trương Thị Phương Linh, một phụ nữ đang có con nhỏ ở phường 1 (TP Tuy Hòa), lo lắng: “Giá sữa tăng lên bao nhiêu thì những người như tôi cũng phải cố gắng mua đầy đủ cho con mình. Hơn nữa, thông tin về hàm lượng đạm trong sữa thấp khiến tôi nghi ngại khi mua sữa nội. Như vậy, gia đình tôi buộc phải cắt giảm những chi tiêu khác, bởi tiền lương không tăng, kinh tế khó khăn”. Anh Nguyễn Phi Long ở phường 2 (TP Tuy Hòa) bức xúc: “Tại sao khi giá sữa nhập khẩu tăng lên, giá sữa trong nước cũng lập tức điều chỉnh. Thế nhưng, khi giá nguyên liệu giảm, giá sữa trong nước không chịu giảm mà còn đòi tăng?”

 

Theo bà Dung, chất lượng sữa nội và ngoại không có sự cách biệt lớn. Tuy nhiên, với mẫu mã đẹp, sang trọng nên dù giá cao nhưng sữa ngoại vẫn có thị phần khá chắc. Khi có được niềm tin của người tiêu dùng, các hãng sữa này mới thực hiện các chính sách giá theo ý muốn của mình. Sữa ngoại đang chiếm ưu thế hẳn về giá lẫn các chiến dịch quảng cáo đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong nước khó lòng theo kịp trong cuộc chạy đua chiến dịch marketing với sữa ngoại. Tại các cửa hàng sữa, các hãng sữa ngoại bỏ tiền thuê hẳn môït không gian trưng bày sản phẩm sữa; nếu sữa nội bỏ ra một, sữa ngoại sẵn sàng bỏ ra gấp đôi. Ngoài việc chi một khoản tiền không nhỏ để quảng cáo rầm rộ, đưa sản phẩm vào bệnh viện thông qua hình thức bác sĩ tuyên truyền, sữa ngoại còn thực hiện chiết khấu cao, chi hoa hồng cao… Các khoản chi phí này đều được vào giá sữa mà người tiêu dùng phải chịu. Bà Dung nói: “Các hãng sữa “nhá” thông báo như là cú đấm hờ, xem thử người tiêu dùng phản ứng như thế nào. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước “triệt” lại và người tiêu dùng đừng quay lưng với sữa nội thì các hãng sữa ngoại nhập làm gì có cơ hội tăng giá?

 

Trong tình hình giá sữa rục rịch tăng, một số khách hàng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại hàng chưa tăng giá đồng thời đang thực hiện chương trình khuyến mãi. Trong đó, sữa Enfa của hãng Mead Johnson được khá nhiều người lựa chọn khi hãng này tung ra chương trình khuyến mại khách hàng mua một hộp loại 900gr loại 290.000 đồng sẽ được tặng hộp cùng loại 200 gr; mua hộp loại 1,8 kg được tặng 2 hộp loại 200 gr.

 

Giá sữa liên tục tăng trong khi giá sữa nguyên liệu giảm là điều khó hiểu, người tiêu dùng đang mong mỏi các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý để người dân không phải chịu gánh nặng chi tiêu chỉ vì giá sữa tăng.

 

MINH CHÂU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek