Thứ Sáu, 29/11/2024 05:51 SA
Nuôi cua thương phẩm
Thứ Sáu, 19/05/2006 08:27 SA

Hiện nay, phong trào chuyển đổi ao tôm sang nuôi cua đang phát triển ở vùng cửa sông Đà Nông (huyện Đông Hòa). Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa nắm vững phương pháp nuôi nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chuyên mục Khuyến ngư kỳ này xin giới thiệu kỹ thuật nuôi cua thương phẩm và nuôi cua lột.

 

NUÔI CUA CON THÀNH CUA THỊT

 

Có thể nuôi cua con thành cua thịt trong các ao đầm riêng biệt hay nuôi kết hợp trong đầm nuôi tôm nước lợ, trong ruộng lúa. Tuy nhiên, một đầm hay ao nuôi tôm tốt nên có các đặc điểm như sau: gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước; nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão; đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước từ 7,5-8,5, độ mặn từ 10 - 25%0 và nhiệt độ từ 28-330C. Ao nên có diện tích từ 300-1000m2, độ sâu 0,8 - 1,2m so với bờ, có chiều rộng đáy 3m, mặt 1-1,5m và cao 1-1,5m, cao hơn mức triều cường 0,5m. Xung quanh bờ phải rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước… và đặt hơi nghiêng vào ao sao cho cua không thoát ra được. Nuôi cua trong đầm nuôi tôm thì diện tích đầm có thể 2-10ha hay lớn hơn. Việc rào chắn, quản lý, bảo vệ trong trường hợp này tương đối khó khăn. Tuy nhiên cần đào nhiều mương sâu trong  đầm (mức nước khoảng 1m) cho cua cư trú nhằm giảm sự thất thoát cua do vượt bờ. Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành chuẩn bị ao như bón vôi liều lượng 10-15kg/ha, lấy nước sạch.

 

Thả giống và chăm sóc: Mùa vụ nuôi cua con thành cua thịt có thể quanh năm nhưng phổ biến từ tháng 2-5 dương lịch. Lúc này nguồn giống phong phú, điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho nuôi cua. Những tháng mùa mưa cũng có thể nuôi cua nhưng sự biến động lớn về nhiệt độ, độ mặn, độ phèn… có thể ảnh hưởng xấu đến nuôi cua. Hiện nay, nguồn giống nuôi vẫn chủ yếu dựa vào nguồn giống tự nhiên. Phương pháp vận chuyển cua là dùng bao chỉ, bao bố… Khi vận chuyển nên tránh gió lùa, nắng, mưa trực tiếp lên cua và thỉnh thoảng dùng nước biển tưới cho cua để giữ độ ẩm. Tùy theo kích cỡ cua và loại ao đầm  nuôi, mật độ và thời gian nuôi có khác nhau từ 2-6 tháng. Tiến hành thả cua lúc trời mát và nên thả trên bãi để cua tự bò xuống nước. Thức ăn cho cua thịt rất đa dạng bao gồm cá tạp, tôm còng, nhuyễn thể, rau, ngũ cốc… tỷ lệ cho ăn khoảng 5-10% trọng lượng cua và được chia làm 2 lần trong ngày (sáng và chiều mát), thích hợp nhất là cho cua ăn lúc nước lớn. Tiến hành thay nước hàng ngày khoảng 30-50% để giữ môi trường trong sạch. Hạn chế sử dụng nông dược khi cua nuôi trong ruộng lúa.

 

Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên đã sản xuất thành công cua giống, và cung ứng hơn 15 vạn con cho người nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Hiện Trung tâm mở rộng quy mô sản xuất khoảng 50 vạn con cua giống chất lượng để chuyển giao cho dân nuôi theo mô hình ở vùng ven biển trong tỉnh.

       NGUYÊN LƯU

Thu hoạch: Khi cua đạt trọng lượng 200-350gr/con có thể thu hoạch. Thu cua bằng cách đánh tỉa câu rập hay tháo cạn còn 30cm nước và bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.

 

NUÔI CUA LỘT

 

Ao nuôi cua lột có kích cỡ nhỏ 100 – 200m2, hình chữ nhật nhưng độ rộng ao không quá 5m để tiện quản lý và thu hoạch. Giữa ao nên có trảng rộng 1m. Đáy ao nên có sét hay sét pha cát. Bờ ao không cần phải rào chắn, tuy nhiên cần phải chắn cẩn thận ở cống. Duy trì nước ao ở mức 0,6-0,8m. Cần cải tạo ao trước khi nuôi. Ngoài ra, cần có thêm một giai đóng bằng khung gỗ và lưới kích cỡ 3x1,5x0,5m đặt ngập 0,3-0,4m trong ao để chứa cua sắp lột khi thu hoạch từ ao nuôi.

 

Thả giống, chăm sóc và thu hoạch: Mùa vụ nuôi cua lột có thể quanh năm. Chọn cua giống có kích cỡ nhỏ khoảng 50-100g/con, cua lớn sẽ chậm lột vỏ. Cua giống là những con cua chắc thịt, cứng, màu sậm. Trước khi thả cần loại bỏ càng và chân cua bằng cách chặt hay bẻ chốt chân, chót càng rồi cua sẽ tự bỏ càng chân của chúng. Tuy nhiên, phải giữ một đôi chân bơi lại để cua hoạt động, biện pháp này có tác dụng kích thích cua lột xác sớm. Mật độ thả là 20 con/m2 hay lớn hơn tùy theo kích cỡ cua giống. Cách cho ăn, quản lý, chăm sóc tương tự như các dạng khác. Sau 5 ngày nuôi, cua bắt đầu mọc nu, càng, chân. Ngày thứ 10 – 12 cua đã sẵn sàng lột xác. Đặc điểm của cua lúc này là: mai cứng và giòn, mầm chân và càng có màu sậm và dài khoảng 1,5cm. Khi cua bắt đầu lột xác sẽ có vòng nứt quanh mai. Sau khi lột 1-2 giờ, cua sạch nhớt, bớt mềm nhũn, hơi no nước thì phải vớt lên giữ ẩm trong giỏ tre có lót vi hay cỏ ướt. Để nơi mát, kín gió, sau một ngày có thể chuyển đi tiêu thụ. Yêu cầu sản phẩm cua lột là phải mềm, không mọng nước và nguyên vẹn.r

 

NGUYỄN THỊNH

 

 

 

                                                

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek