Thứ Sáu, 29/11/2024 07:01 SA
Vùng nuôi tôm hùm nhộn nhịp trở lại
Thứ Sáu, 06/02/2009 07:11 SA

Đang vào thời gian cao điểm vụ nuôi tôm hùm lồng, các vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu nhộn nhịp cảnh mua bán tôm giống, sửa chữa lồng bè... Năm nay, người nuôi tôm hùm đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư nuôi tôm.

 

tom5-090206.jpg

Người dân thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu) chuẩn bị lồng nuôi tôm hùm. Ảnh: N.LƯU

 

NGÂN HÀNG “THOÁNG” HƠN

 

Ông Tô Thanh Hóa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Sông Cầu, cho biết: “Ngay trước Tết Nguyên đán, Agribank Sông Cầu đã giải ngân trên 20 tỉ đồng cho những người vay vốn nuôi tôm hùm. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục giải ngân nguồn vốn cho vay này”. Dù số nợ nguy cơ khó đòi tăng cao do ảnh hưởng của bệnh tôm sữa từ năm trước, song Agribank Sông Cầu vẫn đẩy mạnh cho ngư dân vay vốn với hai hình thức tín chấp thông qua Hội Nông dân và thế chấp tài sản. Theo quy định, mức vay tối đa của hình thức tín chấp chỉ 30 triệu đồng/hộ, song Agribank Sông Cầu đã nâng mức vay lên 50 triệu đồng/hộ, cá biệt có hộ được vay 100 triệu đồng. Ngoài ra, đối với những hộ còn nợ ngân hàng từ vụ tôm năm trước không có khả năng trả nợ, ngân hàng cũng xem xét gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới để tái đầu tư. Ông Hóa cho biết thêm, không chỉ giải ngân tại quầy giao dịch, chi nhánh ngân hàng này còn cử cán bộ tín dụng đến các khu dân cư giải ngân cho nhân dân.

 

Từ tháng 11/2008 đến nay, Agribank Sông Cầu đã giải ngân trên 50 tỉ đồng nuôi tôm hùm, nâng tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này lên 150 tỉ đồng; dự báo kết thúc vụ nuôi này, dư nợ sẽ tăng lên 200 tỉ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang đẩy mạnh việc giải ngân vốn cho hàng trăm hộ nghèo, gia đình chính sách nuôi tôm hùm tại các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ 2 (Sông Cầu) vay với mức 10 – 30 triệu đồng/hộ.

 

VẪN CANH CÁNH NỖI LO DỊCH BỆNH

 

Bước vào vụ nuôi tôm hùm năm nay, người nuôi ở huyện Sông Cầu vẫn canh cánh nỗi lo dù bệnh đục thân (bệnh tôm sữa) trên tôm bước đầu đã được khống chế. Lo vì khoản nợ cũ chưa trả hết, không biết vụ nuôi mới dịch bệnh có bùng phát trở lại hay không. Ông Lê Hữu Thức ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu) phân vân: “Vốn đầu tư đã có, tất cả đã sẵn sàng cho vụ nuôi mới, nhưng vì lo dịch bệnh có thể xảy ra nên tôi chỉ dám đầu tư nuôi 300 con”. Cũng như hộ ông Thức, dù đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nhưng hộ ông Nguyễn Văn Hạnh ở xã Xuân Thịnh chỉ vay 15 triệu đồng và tận dụng vốn tích lũy của gia đình để đầu tư nuôi tôm.

 

Ông Hạnh cho biết: “Giá tôm hùm giống hiện ở mức 50.000 – 60.000 đồng/con, chỉ bằng  1/3 so với vụ nuôi năm 2007, nhưng chúng tôi chỉ thả nuôi 400 con vì không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong suốt gần hai năm đầu tư vốn”. Vụ tôm hùm này ông Hạnh chỉ thả 120 – 150 con/lồng, thay vì nuôi ở mật độ dày trên 200 con/lồng như trước đây. “Thà nuôi ít mà chắc ăn còn hơn nuôi tràn lan mà không kiểm soát được dịch bệnh” – ông Hạnh nói. Theo kinh nghiệm của nhiều người, mật độ nuôi thưa như vậy sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh bùng phát trở lại. Ông Võ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết hầu hết người nuôi tôm vụ này không thiếu vốn, tôm giống khai thác nhiều, nhưng quy mô nuôi không bằng những năm trước. Toàn xã Xuân Phương có 4.560 lồng nuôi, trong đó có 4.000 lồng tôm thịt, 560 lồng tôm ươm, đó là chưa kể đến số lồng nuôi mới phát sinh thời gian gần đây. Tuy nhiên người nuôi vẫn còn tâm lý lo dịch bệnh nên không đầu tư nuôi lớn.

 

Cả ngân hàng cũng thường trực nỗi lo bởi những khoản nợ khó thu hồi từ vụ nuôi trước. Theo số liệu thống kê, các hộ vay ở Sông Cầu đang gặp khó khăn trong trả nợ, với tổng số tiền vay lên đến hơn 60 tỉ đồng. Ông Hóa nói: “Khi vào vụ nuôi ngư dân là người đi vay, đến khi thu hoạch, họ là người đi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nên không thể quay lưng lại với bà con”. Theo Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, hiện chưa thể thống kê được số lượng lồng nuôi phát sinh thời gian gần đây. Dù bệnh sữa trên tôm hùm đã được khống chế nhưng vẫn chưa tìm ra phương cách điều trị hiệu quả nên đơn vị khuyến cáo người nuôi nên nuôi ở mật độ thưa nhằm tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước dẫn đến dịch bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại như vụ nuôi trước.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek