Trong khi không ít doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác gặp khó khăn thì một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn hoạt động có hiệu quả, quy mô sản xuất kinh doanh không ngừng được đầu tư mở rộng.
Tiền sảnh khu du lịch sinh thái Bãi Tràm - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả tại Phú Yên. Sản xuất kinh doanh mía đường là lĩnh vực chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi nước ta gia nhập WTO, song công ty vẫn vững vàng thể hiện qua việc không ngừng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Năm vừa qua, công ty đã nâng cấp Nhà máy đường Sơn Hòa lên 5.000 tấn/ngày, tạo việc làm cho gần 500 lao động với thu nhập bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã nộp thuế trên 18 tỉ đồng, chiếm hơn 40% mức đóng góp vào ngân sách của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Qua 8 năm sản xuất kinh doanh tại Phú Yên, tổng giá trị tài sản của công ty đã tăng từ 302,6 tỉ đồng lên gần 479,5 tỉ đồng. Hiệu quả của công ty không chỉ không dừng lại ở đó, mà điều có ý nghĩa hơn, nhờ có nhà máy tại chỗ, vùng nguyên liệu mía của Phú Yên được ổn định, có việc làm tăng thu nhập cho 12.500 hộ trồng mía. Từ thành công đó, năm nay, Công ty KCP sẽ đầu tư thêm 20 tỉ đồng để nâng công suất Nhà máy đường Đồng Xuân lên 1.000 tấn/ngày và triển khai dự án sản xuất điện với công suất 16 MW. Tổng giám đốc R. Subbaiah cho biết: “Là một doanh nhân, dù làm ăn ở đâu, tôi tâm niệm phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng nơi đó. Bởi vậy từ khi đến Phú Yên, tôi ra sức xây dựng doanh nghiệp trên cơ sở tạo môi trường lành mạnh cho mọi người lao động phát triển khả năng của mình”.
Nhà máy đường của Công ty TNHH công nghiệp KCP - Việt
Một lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng đầy rủi ro là nuôi cá trên biển, song Công ty TNHH An Hải cũng đã thành công và có sự đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Công ty FDI này đến Phú Yên với kỹ thuật nuôi cá lồng trên vùng biển phía nam đảo Lao Mái Nhà, thuộc địa phận xã An Hải (Tuy An). Với 25 lồng nuôi ban đầu, đến nay, công ty đã thả nuôi trên 100 lồng. Năm vừa qua, công ty được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận điều chỉnh dự án, bổ sung vốn đầu tư từ 2 triệu USD lên 3,5 triệu USD, xây dựng thêm cơ sở sản xuất cá giống tại chỗ, qua đó tạo việc làm cho 300 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Tổng giám đốc Aleksandr Rogatnyky cho biết: Mục tiêu của công ty là đến năm 2009 nuôi 200 lồng với sản lượng 3.000 tấn cá có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu.
Khu du lịch sinh thái Bãi Tràm Hideaway Resort nằm bên đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu) được Công ty TNHH La Perla-Tashun (100% vốn nước ngoài) đầu tư xây dựng cách đây 2 năm. Đây là một tổ hợp gồm nhiều hạng mục công trình, trong đó có những biệt thự bờ biển, biệt thự ven đồi, biệt thự kiểu Pháp, các khu bungalow cùng các khu giải trí và thể thao, trung tâm hội nghị… cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khu du lịch này đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động một số phòng ở chuyên biệt, cao cấp với mức giá cho thuê 500 USD/ngày đêm. Tổng giám đốc Rody Van Bork phấn khởi bày tỏ: Năm 2011, Phú Yên sẽ kỷ niệm 400 năm thành lập và tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch. Để tham gia góp phần vào thành công sự kiện quan trọng này, công ty đang khẩn trương đầu tư giai đoạn 2 của Khu du lịch Bãi Tràm có tổng vốn 10 triệu USD với mục tiêu đến năm 2010 sẽ xây dựng hoàn thành 167 phòng ở tiêu chuẩn 5 sao có cơ sở hạ tầng đồng bộ, điều hành, tiếp thị và quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế của một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, trong số 29 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 6,3 tỉ USD, bước đầu đã có 18 dự án FDI đi vào hoạt động với số vốn đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh 348 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI đầu tư khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp nhẹ… Điều đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI đều hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Năm qua, các doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm ổn định cho 2.600 lao động, đóng góp vào ngân sách tỉnh 41,2 tỉ đồng. |
NGUYÊN TRƯỜNG