Trắng đêm lao vào bóng tối, gõ cửa từng nhà đề nghị đi cứu con đê đang có nguy cơ bị vỡ. Nhờ vậy, hàng trăm gia đình sống dưới chân đê đã thoát được tai nạn dự báo kinh hoàng.
Chị Hà nhiệt huyết trong việc ứng cứu đê - Ảnh: H.NAM
Mùa mưa lũ năm 2008. Những cơn mưa to liên tục trút xuống, nước mưa rơi như thác. Bất kể đêm tối, chị Phạm Thị Hồng Hà, sinh năm 1971, ở thôn Bình Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu vùng dậy chạy ra thăm chừng bờ đê Bình Bá. Con đê có nguy cơ vỡ khi nước sông Bình Bá dâng cao. Chị Hà theo dõi mực nước sông, nếu thấy có nguy cơ xảy ra sự cố, chị đánh thức cả thôn cùng đi giữ đê.
Đó không phải là mùa mưa đầu tiên chị Hà giữ đê. Mùa mưa lũ năm 2007, cả thôn Bình Thạnh trải qua một đêm kinh hoàng khi bị con đê Bình Bá uy hiếp. Chị Hà kể, hôm đó khoảng 21 giờ, chị đi thăm và thấy mực nước sông Bình Bá bất ngờ dâng cao, trong khi nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, nguy cơ vỡ đê rất lớn. Trong khi nước lũ hung dữ cuồn cuộn thì tại hiện trường chỉ vài người ứng trực. Giữa đêm tối, chị Hà chạy đến từng nhà, gõ cửa vận động nhân dân chung sức ra đắp đê. Chỉ 15 phút sau, trên bờ đê có đến hàng trăm người ứng cứu. Lúc này mức độ sạt lở bờ đê khá nghiêm trọng vì triều cường quá mạnh, hàng trăm con người quýnh quáng vì đất đắp lên lập tức chảy tuột xuống sông. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu chị Hà: Chỉ có bao tải may ra chống lại cơn cuồng nộ của thủy thần. Thế là chị lại lao đến các lò làm bún ở địa phương, thu gom hàng trăm bao tải, mang về cho mọi người vô cát đắp giữ đê. Mưa tầm tã, lúc đi trên con đường chỉ đến đầu gối lúc về nước ngang bụng chị cũng vượt, đến được bờ đê, lúc đó đã 4 giờ sáng. Nhờ trăm bao tải vô cát đắp bờ đê lên cao, nhân dân dưới đê Bình Bá thoát được một tai nạn dự báo kinh hoàng.
Sáng hôm sau, ảnh hưởng triều cường nước sông Bình Bá tiếp tục dâng, mức độ sạt lở ở mức báo động khẩn cấp, bộ đội biên phòng huyện Sông Cầu vào giúp dân đắp đê. Nhìn các anh bộ đội làm việc hối hả, chị nghĩ ra cách lo suất cơm trưa. Một mình vào quán cơm Quê Hương và quán cơm Số 2 (thuộc thôn Bình Thạnh), chị vận động quyên góp 200 hộp cơm, 150 ổ bánh mì, 20 hộp cá mang ra tận bờ đê để bộ đội ăn trưa. Chị nói: “Hôm đó tôi đi cả ngày, chiều tối về đến nhà tôi bị choáng váng, nghĩ lại do cả ngày mình không ăn hột cơm nào trong bụng”.
Riêng mùa mưa năm 2008, nhiều ngôi nhà ở Bình Thạnh thường xuyên bị “ngập lụt”. 5 phút sau chị Hà có mặt giúp bà con vận chuyển, cơi nới vật dụng trong gia đình lên cao. Ông Lê Văn Nga, nói: “Lúc nhà bị nước lũ tràn vào chỉ có mình tôi, trong khi đó gần 30 bao lúa chất đầy nhà bếp, đang loay hoay thì chị Hà đến cùng khiêng vác, nếu không ướt hết rồi”. Chị nói: “Nhà tôi nằm trên cao, cạnh quốc lộ 1A, không bao giờ bị ngập lụt. Nhưng mùa lũ tôi thức trắng đêm là vì đời sống bà con hàng xóm mình chung tay góp sức”. Hơn 50 ngôi nhà nằm lọt thỏm dưới bờ đê đến mùa mưa lũ thấp thỏm lo sơ mất ngủ, song họ mất ngủ một thì chị mất ngủ mười… “vì tất cả họ đều là hàng xóm của mình”.
MẠNH HOÀI