Thứ Tư, 02/10/2024 11:27 SA
Biến “củi khô” thành hàng có giá
Thứ Năm, 29/01/2009 15:01 CH

Biến những gốc, rễ cây tưởng như chỉ có thể đưa vào...…bếp trở thành những sản phẩm có giá trị, được thị trường ưa chuộng. Đó là cả một quá trình “săn” tìm, thổi hồn vào gỗ lũa.

 

go-lua-3.gif

Ông Nguyễn Thái Sơn bên tác phẩm gỗ lũa “Thiếu nữ dân tộc” - Ảnh: QUANG THUẦN

 

“SĂN” GỖ LŨA

 

Tôi cùng nhóm bạn của Nguyễn Ngọc Thạnh, một người “săn” gỗ lũa có tiếng ở huyện Đông Hòa, thực hiện một chuyến “săn” tìm gỗ ở huyện miền núi Đồng Xuân. Tiếng là đi “săn” gốc, rễ cây trên rừng nhưng chẳng thấy nhóm thợ bốn người này mang một dụng cụ gì. Thạnh phân bua: “Đây không phải đi phá rừng đâu nhé mà tận thu những phế phẩm của núi rừng”. Tôi thắc mắc: “Đi đào gốc cây sao không mang theo vật dụng gì. Mà cây rừng trùng điệp, biết chỗ nào tìm?”. Thạnh bảo: “Cần gì phải vào rừng cho nhọc công”. Hóa ra nhóm của Thạnh chuyên mua chứ không phải đi đào lũa. Trước khi đi, nhóm thợ này đã đặt hàng cho một số người chuyên sống dựa vào rừng nên chỉ cần tìm đến nhà là có thể “săn” được hàng. Đích đến đầu tiên trong chuyến hành trình kéo dài hai ngày của nhóm Thạnh là khu vực Lỗ Vàng, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân). Thạnh cho biết, khu vực này cách đây hơn mười năm là rừng nguyên sinh, đất đai màu mỡ, được chính quyền địa phương cho khai thác để trồng mía cao sản, các loại cây hoa màu nên giờ còn sót lại nhiều gốc cây thuộc nhóm gỗ quý, có thế đẹp, tha hồ mà chọn.

 

Trong khi cả nhóm đang lặn lội “săn” lũa tại khu vực Lỗ Vàng, Hải nhận tin một người gọi điện đến thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) giáp ranh với huyện Vân Canh (Bình Định) để “xem hàng”. Thế là cả nhóm tức tốc phóng xe lên đường. Hàng chục gốc gỗ vỏ ngoài sần sùi không khác gì những khúc củi khô tại các lò gạch chất ngổn ngang trong khu vườn của một người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngắm nghía một lát, nhóm Thạnh ra giá 10 triệu đồng cho tám gốc có thế đẹp. Chủ của nhóm gỗ giới thiệu: “Mấy gốc cây này thuộc gỗ nhóm 2A nằm sâu trong lòng đất, ba công đào liên tục hơn tháng trời mới đưa được về đây”. Sau một hồi ngã giá, cuối cùng hai bên chấp nhận giá 12 triệu đồng.  

 

Trong khi tôi đang ngỡ ngàng khi nghe giá tám khúc “củi khô” lên đến 12 triệu đồng, nhóm của Thạnh lại tỏ ra mãn nguyện như vớ được “báu vật”, liền giao tiền đặt cọc, làm giấy “chứng nhận” xuất xứ, hẹn ngày chở về xuôi. “Phải mua ngay chứ để hôm sau không còn” – Thạnh nói. Cả nhóm hồ hởi: “Chuyến “săn” này coi như đã thành công trước thời hạn, bây giờ về ăn, nghỉ”.  

 

go-lua-6.gif

Chế tác gỗ lũa tại cơ sở của anh Huỳnh Văn Hòa - Ảnh:  QUANG THUẦN

 

BIẾN “KHÚC CỦI” THÀNH TÁC PHẨM MỸ NGHỆ

 

Tuổi đời còn khá trẻ song anh Huỳnh Văn Hòa ở khu phố 2, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đã có 10 năm trong nghề chế tác hàng mỹ nghệ từ gốc lũa. Những ngày cuối năm, cơ sở chế tác gỗ của Hòa không còn chỗ trống. Phần lớn sản phẩm tại cơ sở này đều được chế tác theo trường phái tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên. Mẫu mã, ý đồ thiết kế sản phẩm đều tự tay anh Hòa cáng đáng. Anh Hòa chia sẻ: “Phải có niềm đam mê nghệ thuật, hiểu được cách chơi mới có thể biến những “khúc củi” vô hồn thành tác phẩm mỹ nghệ”. Theo anh Hòa, chơi gỗ lũa tuy có tốn kém, nhưng bù lại không bao giờ lỗi thời. Không chỉ làm từ các loại gỗ rừng, ngay cả những loại cây trồng ở đồng bằng cũng có thể tạo ra những sản phẩm lũa có giá trị. Anh Hòa  cho biết thêm, cùng với việc nhận đơn đặt hàng của các đối tác lớn trị giá hàng chục triệu đồng, anh còn nhận gia công nhiều sản phẩm nhỏ lẻ từ cây mít, khế, xoan... Sản phẩm của anh Hòa chưa ra nhiều thị trường vì không trường vốn song hằng ngày nhiều khách hàng tìm đến cơ sở của anh thưởng thức, trầm trồ khen ngợi.  

 

Xưởng chế tác gỗ mỹ nghệ của Doanh nghiệp Sơn Phước ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) đang thu hút gần 100 lao động. Sản phẩm của cơ sở này đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ Doanh nghiệp Sơn Phước, cho biết ý tưởng làm bàn ghế, vật dụng gia đình, sản phẩm trang trí nội thất từ gỗ lũa đã nảy nở trong ông cách đây gần 20 năm khi còn công tác trong ngành lâm nghiệp. Ông Sơn kể: “Nhìn những gốc cây mục còn lõi với màu sắc sẫm đặc rất đẹp, tôi nghĩ sao không tận dụng để biến thành sản phẩm có ích. Lúc đầu, tôi thử tạo dáng vài con vật có hình dáng đơn giản, sau thấy hứng thú và đam mê nên bám nghề đến bây giờ. Nghề này lắm công phu nhưng nếu biết cách có thể “hái” ra tiền”. Dẫn tôi đi xem khu trưng bày tại nhà riêng của mình, ông Sơn say sưa giới thiệu một “rừng” sản phẩm được chế tác từ nhiều loại cây khác nhau do chính bàn tay ông “đạo diễn” như con trâu, chim đại bàng, bộ bàn ghế có dáng kỳ thú, cô gái người dân tộc thiểu số trên nương rẫy… Sản phẩm nào cũng rất tinh xảo, bắt mắt có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Anh Phan Văn Chánh, thợ làm tại cơ sở Sơn Phước, bày tỏ: “Sướng nhất là khi cảm hứng nhập cuộc, dựa vào thế của từng gốc cây mà tưởng tượng ra dáng vẻ con vật, hoa văn để tạo thế sản phẩm”.

 

Phú Yên hiện có gần 10 cơ sở chuyên chế tác gỗ lũa, khá khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, theo những người trong nghề, hiện một “trường phái” gỗ lũa “made in Phú Yên” đang hình thành, dần khẳng định trên thương trường. Với khả năng học hỏi nhanh, tay nghề vững chãi những nghệ nhân gỗ lũa đang nghĩ đến việc thành lập làng nghề gỗ lũa Phú Yên. Anh Hòa quả quyết: “Không sợ thiếu nhân lực, đầu ra của sản phẩm, chỉ sợ không đủ nguyên liệu để làm”. 

 

Gỗ lũa được lấy từ các gốc, rễ cây đã đốn, mục nát ở phần vỏ ngoài, bên trong còn giữ nguyên cốt lõi bền chắc, ngẫu nhiên tạo ra hình dáng đẹp. Lũa có ba loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước tại các đoạn sông suối và lũa được tạo thành từ mưa gió. Muốn tạo ra một sản phẩm gỗ lũa đẹp, có giá trị các nghệ nhân phải nắm được cái “thần cốt” của từng gốc cây mà tạo ra sản phẩm theo cảm xúc nghệ thuật của riêng mình. 

 

QUANG THUẦN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một dự án đang gặp nhiều khó khăn
Thứ Ba, 20/01/2009 10:30 SA
Các phương pháp nuôi hàu
Thứ Ba, 20/01/2009 10:30 SA
Giá đất ở tại các thị trấn
Thứ Hai, 19/01/2009 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek