Thứ Sáu, 29/11/2024 09:31 SA
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Võ Minh Thức:
Nỗ lực hỗ trợ để sớm hoàn thành gieo sạ lúa đông xuân 2008 - 2009
Thứ Ba, 13/01/2009 07:30 SA

Đợt mưa lũ muộn vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho lúa đông xuân. Trước đó, mưa lũ cũng đã gây thiệt hại cho những người nuôi thủy hải sản. Còn hiện nay, gia súc gia cầm có nguy cơ mắc bệnh do trời lạnh, thiếu thức ăn. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Võ Minh Thức về việc khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Ông Thức cho biết:

 

NG090113.jpg
Giao giống hỗ trợ của Chính phủ cho các địa phương - Ảnh: LY KHA

 

- Trước tình hình thiệt hại nặng của các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp, nhất là lúa đông xuân, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nhanh chóng khắc phục, tiến hành gieo sạ toàn bộ diện tích lúa đông xuân, không được để diện tích trống. Theo lịch thời vụ, nông dân Phú Yên sẽ tập trung gieo sạ đến 15/1, chậm nhất là 20/1 đối với các diện tích vẫn còn ngập, thấp trũng. Về giống lúa, ngành tập trung chỉ đạo các địa phương và nông dân làm các bộ giống ngắn ngày (từ 95 - 100 ngày). Ngoài việc nông dân bị thiệt hại tự khắc phục và các địa phương hỗ trợ, ngành cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân 368 tấn lúa giống, trong đó 18 tấn từ quỹ dự phòng năm 2008, 50 tấn giống lúa do Chính phủ hỗ trợ, 300 tấn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ứng tiền mua lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận. Tất cả đã được chuyển giao xuống địa phương và nông dân. Đến thời điểm này, số diện tích chưa kịp gieo sạ hơn 1.000 ha, chắc chắn sẽ được thực hiện theo lịch thời vụ. Vụ đông xuân này, diện tích lúa của Phú Yên là 25.540 ha.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi thủy hải sản, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ cho người nuôi cá mú giống bị thiệt hại với mức 3.000 đồng/con theo định suất mỗi hộ không quá 50 con.

 

* Thưa ông, trước kia, việc hỗ trợ lúa giống cho nông dân được thực hiện với mức thấp, mỗi hộ nhận một lượng giống nhỏ, không đủ gieo sạ nên phải sạ nhiều loại giống trên ruộng, ảnh hưởng đến năng suất. Lần này ngành Nông nghiệp hỗ trợ như thế nào?

 

- Nông dân trong tỉnh rất nỗ lực khắc phục thiệt hại, nước rút tới đâu gieo sạ tới đó. Lượng giống được huy động trong dân cũng rất lớn. Theo đề xuất của địa phương, ngành hỗ trợ đủ giống để nông dân gieo sạ hết diện tích ruộng còn lại. Những trường hợp người dân tự khắc phục và phải sạ đi sạ lại nhiều lần, sở đang đề nghị UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ một phần bằng tiền. Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh hại chính như đạo ôn, khô vằn, rầy…

 

Năm trước, đến tháng 2 vẫn còn mưa. Năm nay ngành Nông nghiệp xác định sẽ có nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên đã làm việc với các địa phương, HTX và cam kết tập trung mọi nguồn lực, biện pháp để sản xuất thành công vụ đông xuân 2008 - 2009.

 

* Trong nhiều vụ sản xuất gần đây, một diện tích lúa rất lớn thường xuyên bị ngập úng cho dù lượng mưa không lớn. Hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

 

- Có một thực tế là gần đây, chỉ cần lượng mưa khoảng 100mm là đã có nhiều diện tích lúa bị ngập. Điều này một phần do các tuyến kênh tiêu đã nhiều năm không được nạo vét, tu sửa. Bức xúc nhất hiện nay là kênh tiêu của cả hai tuyến kênh mương bờ Bắc và bờ Nam trong hệ thống thủy nông Đồng Cam vùng hạ lưu. Tuyến kênh tiêu bờ Nam đoạn qua các xã Hòa Thành, Hòa Tân, phường Phú Lâm…; tuyến bờ Bắc đoạn qua Bình Kiến, Hòa Kiến, phường 9… đã nhiều năm không được nạo vét dẫn đến bồi lấp, làm chia cắt hệ thống tiêu. Ngành đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam tập trung tu bổ, khắc phục các đoạn, tuyến kênh mương bị sự cố, đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân này. Ngoài ra, ngành có chủ trương tổng kiểm tra hệ thống kênh mương Tam Giang (huyện Tuy An) để xây dựng dự án, tìm nguồn vốn tu sửa kiên cố. Ngành cũng tập trung chỉ đạo nạo vét, tu bổ các hệ thống tưới tiêu sau các hồ đập ở khu vực miền núi. Khắc phục và xây dựng kiên cố các hệ thống tưới tiêu trên toàn tỉnh được ngành Nông nghiệp xem là một trong những mục tiêu trọng tâm của vấn đề “tam nông” của địa phương, cần thực hiện nhanh chóng và đồng bộ.

 

* Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có nguy cơ tái phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là ngay trước Tết Nguyên đán. Ngành có những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra, thưa ông?

 

- Ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là công tác trọng tâm được tiến hành xuyên suốt của ngành. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở phía bắc. Phú Yên từ trước tới nay vẫn là địa bàn sạch dịch cúm gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo ngành Thú y tập trung mọi biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong tất cả các khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, mua bán nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân và không để xảy ra dịch bệnh.

 

Năm qua cũng là năm Phú Yên không để xảy ra bệnh lở mồm long móng trên trâu bò như trước đây, thành quả này cũng sẽ được tập trung phát huy. Ngành tiếp tục hướng dẫn người dân, nhất là nông dân miền núi dự trữ thức ăn, chống rét cho gia súc, gia cầm…

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LY KHA (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek