Thứ Sáu, 29/11/2024 21:32 CH
Trồng dược liệu - cơ hội làm giàu của nông dân
Thứ Hai, 05/01/2009 19:00 CH

Ngành Khoa học-Công nghệ Phú Yên đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều vùng chuyên canh dược liệu tại tỉnh. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nông dân Phú Yên có thu nhập cao khi trồng các loại cây này.

 

cay-thuoc-090105.jpg

Trồng cây thuốc nam ở huyện Sông Cầu - Ảnh: T.THẢO

 

BẢO TỒN CÂY THUỐC BẢN ĐỊA

 

Theo đánh giá ban đầu, Phú Yên có trên 2.000 loại cây thuốc nam, trong đó có nhiều cây giá trị cao, như: sa nhân, phòng kỷ, sài hồ, vàng đắng, thạch hộc, lan gấm, trầm hương, kim tiền thảo, rong mơ,… được các cơ quan chuyên môn đánh giá là nơi có nhiều loại dược liệu tích luỹ các hoạt chất tương đối cao.

Những năm qua, phần lớn dược liệu tại tỉnh được thu hái và chuyển đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một phần nhỏ dược liệu được các thầy thuốc đông y và người dân sử dụng tại chỗ theo phương thức chế biến, chữa bệnh truyền thống. Chính việc thu hái dược liệu mang tính tự phát, thiếu khoa học chế biến nên giá bán thường rất rẻ, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, việc điều tra, nghiên cứu và bảo tồn, phát triển cũng chưa được đầu tư đến nơi đến chốn.

 

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh (Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung) đã có một số đề xuất khả quan trên lĩnh vực này. Đối với cây dược liệu ngắn ngày, phải điều tra quy hoạch ngay những vùng có cây thuốc mọc tập trung, xác định những cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao, đề xuất thời gian khai thác phù hợp với khả năng tái sinh của cây. Ví như với cây dừa cạn, nên có quy định chỉ khai thác cây có đường kính cổ rễ hơn 1cm, thời gian thu hái từ tháng 2 đến tháng 5 để cây có điều kiện phục hồi sinh trưởng.

 

Đối với cây dược liệu đa niên, cần điều tra tài nguyên cây thuốc trong các khu rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, xác định các cây thuốc quý để có kế hoạch bảo vệ và phát triển kịp thời. Lựa chọn một số loài cây thuốc giá trị cao, đi sâu vào nghiên cứu nhân giống và phát triển kỹ thuật gieo trồng tại một số vùng đất nhất định để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Chẳng hạn như cây thổ phục linh, là một loại thân leo, ưa sáng, chịu hạn tốt, phù hợp với hệ sinh thái đất đồi, nương rẫy. Các xí nghiệp dược thích mua thổ phục linh Phú Yên để làm thuốc chữa thấp khớp rất công hiệu, thế nhưng người dân trong tỉnh chỉ mới khai thác tự nhiên nên số lượng ngày càng ít dần và nguy cơ cạn kiệt loài cây này.

 

Kỹ sư Tuyết Anh cũng đề xuất cần có chương trình tập huấn cho các cán bộ kiểm lâm, người trực tiếp quản lý rừng về cách nhận dạng cây thuốc, giá trị y dược học, kinh tế của cây thuốc và phương pháp bảo tồn. Cần xây dựng các trung tâm bảo tồn nguồn gien cây dược liệu tại tỉnh, đó là nơi cung cấp giống và kỹ thuật trồng các loại dược liệu quý hiếm, để phát triển sản xuất rộng khắp trong cộng đồng.

 

CÂY THUỐC - CÂY LÀM GIÀU!

 

Trong chiến lược phát triển ngành Y tế, Phú Yên được xác định là 1 trong 10 điểm trên toàn quốc được quy hoạch vùng sản xuất dược liệu. Nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung đã khảo nghiệm cho thấy: điều kiện sinh thái vùng ven sông, đất cát tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa,… rất thích hợp trồng cây diệp hạ châu (cây chó đẻ thân xanh), tần lá dày, dừa cạn, gừng Nhật Bản,… có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vào chế biến thuốc và xuất khẩu. Các loại cây dược liệu này dễ trồng, năng suất cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác, thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

 

Dự án “Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn, phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu” sẽ tập trung trồng 2 loại cây là diệp hạ châu và tần lá dày. Mục tiêu cụ thể là xây dựng mô hình trồng 10 ha cây diệp hạ châu và 5 ha tần lá dày theo tiêu chuẩn VietGAP trên các bãi bồi ven sông, vùng cát tại Phú Yên. Diệp hạ châu có thể cho năng suất 15-16 tấn/ha/vụ trong 50-60 ngày, mỗi năm trồng được 4-5 vụ. Tần lá dày có thể cho năng suất 30-40 tấn/ha/ vụ trong 90 ngày, mỗi năm trồng được 2 vụ. Việc chuyển giao giống, kỹ thuật trồng  và sơ chế sẽ do dự án đầu tư; các hộ nông dân tham gia mô hình theo tinh thần tự nguyện, tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn. Nông dân trồng diệp hạ châu có thể tạo ra mức thu nhập 150-187,5 triệu đồng/ha/8 tháng; còn với tần lá dày có thể thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/6 tháng.

 

Hiện nay, với tỉ lệ 15% dân số Việt Nam nhiễm viêm gan siêu vi B, các nhà máy dược trong nước đang có nhu cầu sử dụng 5-10 tấn nguyên liệu chiết xuất từ diệp hạ châu (tương đương 750-1.500 tấn dược liệu tươi) để làm thuốc. Còn tần lá dày là thành phần cơ bản để sản xuất thuốc đặc trị bệnh viêm họng, riêng nhu cầu trong nước là 200-300 kg tinh dầu/năm, tương đương 1.000-1.500 tấn lá tươi/năm. Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung hiện đã có nhiều ký kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân trồng dược liệu an toàn.

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Con đường đau khổ”
Thứ Hai, 05/01/2009 13:45 CH
Tiến độ thi công quá chậm
Thứ Hai, 05/01/2009 07:45 SA
Thay đổi lộ trình các tuyến xe buýt
Thứ Hai, 05/01/2009 07:33 SA
Nông dân khổ vì lũ muộn
Thứ Hai, 05/01/2009 07:21 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek