Xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa)nằm dọc hạ lưu sông Bàn Thạch, có lượng phù sa màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp ở đây tương đối thuận lợi. Toàn xã có 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trên 2.274 ha đất tự nhiên, địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã được các cấp chính quyền địa phương xác định là xóa bỏ tính chất độc canh cây lúa, thâm canh nhiều loại cây hoa màu khác có giá trị cao được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ông Lê Tấn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông cho biết: Ngoài cây lúa, địa phương còn trồng nhiều loại cây hoa màu với trên 110 ha dọc bãi bồi phù sa ven sông Bàn Thạch như bắp lai VL10, NK54, G49, khổ qua, đậu xanh, đậu nành, đậu đen, bầu, bí, mướp… hàng năm thu nhập từ 50 đến 70 triệu/ha/hộ.
Để phát triển nông nghiệp, tạo nông sản thành hàng hóa, xã đã tiến hành nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, làm 7.000m đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa gần 5.000m hệ thống kênh mương thủy lợi ở hai xứ đồng trong và đồng ngoài; đắp 4 đập tích nước suối là Đập Bỏi, Hóc Nhum, Hóc Giỏ, Hóc Mọi để tưới cho 300 ha lúa xứ đồng trong, canh tác thuận lợi 2 vụ lúa/năm. Xã còn thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân, nhất là các lớp khuyến nông, chương trình IPM và phong trào 3 giảm, 3 tăng”, thâm canh tăng vụ… Qua đó giúp nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng khu vực.
Kinh tế vườn rừng ở xã Hòa Tân Đông cũng phát triển khá mạnh với tổng diện tích hơn 500 ha. Nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ kinh tế vườn rừng. Tiêu biểu như hộ ông Phan Ẩn (thôn Phú Lương). Ông Ẩn đã đầu tư canh tác 3 ha ruộng lúa trồng 2vụ/năm. Ông còn có 7 ha đất trồng đào lộn hột, bạch đàn, xà cừ, dầu rái và 3 sào đất trồng cỏ voi để làm thức ăn cho đàn bò lai sind 20 con, nuôi 400 con vịt đẻ trong ao, tận dụng thức ăn thừa và phân vịt làm thức ăn cho cá. Ông còn đầu tư mua máy cày, máy tuốt lúa phục vụ bà con lúc thời vụ, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Còn nhiều gia đình khác cũng làm giàu từ nông nghiệp như gia đình ông Lê Văn Đỗ (thôn Tân Đạo), bà Trần Thị Phán (thôn Cảnh Phước)…
Ông Khanh cho biết thêm: Thời gian tới, Hòa Tân Đông sẽ mở hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm cho nông dân lúc nông nhàn. Để tạo đà và tiếp thêm sức cho vùng đất ven sông Bàn Thạch chuyển mình, ngoài sự nỗ lực của địa phương, nhân dân nơi đây rất cần sự đầu tư vốn của Ngân hàng chính sách Xã hội để tiếp tục hoàn thiện vành đai xanh ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch.
KIM LIÊN