Thứ Năm, 03/10/2024 01:24 SA
Mở cửa thị trường bán lẻ:
Cơ hội để biết mình, biết ta
Thứ Sáu, 02/01/2009 10:30 SA

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh để làm tốt hơn theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải quan tâm hơn đến liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối.

 

Từ ngày 1/1/2009, theo lộ trình cam kết trong WTO, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ bán lẻ. Nhiều người lo lắng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vốn đã mang trên mình nhiều bệnh tật thì nay lại phải cạnh tranh với “những người khổng lồ” trên thị trường bán lẻ thế giới thì khó tránh khỏi “thương tích”. Hệ thống siêu thị, chuỗi gần 400.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, theo đó, “chiếc bánh” bán lẻ sẽ được chia làm nhiều phần hơn, các sản phẩm hàng hoá sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả và dịch vụ hậu mãi, và người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

 

Theo phân tích của tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn hai lựa chọn là cạnh tranh hay thất bại. Theo kết quả khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường thì năm 2009 Việt Nam sẽ bùng nổ về thị trường bán lẻ. Còn chính các nhà bán lẻ quốc tế đánh giá thị trường Việt Nam như thế nào thì có lẽ còn nhiều điều đáng bàn. Qui mô dân số Việt Nam 86 triệu dân nhưng bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 1.000 USD/năm, tức là khoảng 86 tỉ USD. Qui mô này không ăn thua gì so với các nhà bán lẻ thế giới. Đây là thị trường nhỏ, nên chưa chắc họ đã vào để cạnh tranh với Việt Nam. Bản thân người tiêu dùng Việt Nam, để làm quen với phong cách bán lẻ hiện đại không phải là dễ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mở cửa thị trường bán lẻ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tự đổi mới mình, nâng cao chất lượng thị trường để cùng cạnh tranh, phát triển chứ không phải là đối đầu.

 

Đối với Việt Nam, để xây dựng thị trường bán lẻ, đang thiếu một tư duy lớn đó là hệ thống bán lẻ nhưng nằm trong sự chi phối của một tập đoàn lớn chứ không phải là liên minh của các doanh nghiệp nhỏ. Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, để không bị thua ngay trên sân nhà, cần phải có hệ thống tổ chức theo mô hình các tổng công ty hay tập đoàn chuyên về bán lẻ. Mặc dù vậy, các đơn vị này cũng mới chỉ chuyên doanh vào một hay một vài chủng loại sản phẩm, trong khi đó yêu cầu của từng hạt nhân trong chuỗi bán lẻ hiện đại phải được đa dạng về chủng loại hàng hóa, chuyên nghiệp về cách thức phục vụ. Vì vậy, việc làm cần thiết lúc này là Nhà nước nên thành lập một vài tổng công ty hoặc tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, trên cơ sở tổ chức lại hoặc liên kết các doanh nghiệp thương mại nhà nước để làm đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. Một vấn đề khác nữa là, trong số hàng trăm ngàn cửa hàng bán lẻ hiện nay, Nhà nước không thể xóa sổ, nhưng cũng không thể kéo tất cả vào làm việc cho các doanh nghiệp hay siêu thị của nhà nước, mà các doanh nghiệp bán lẻ cần phải “kéo” đư­ợc các cửa hàng trở thành đại lý cho mình với những điều kiện cụ thể về quyền lợi - trách nhiệm. Đó là cách điều hành, chiếm giữ thị phần bán lẻ một cách tốt nhất, trước sức ép cạnh tranh.                       

 

TRẦN VŨ YẾN NHI - VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek