Thứ Sáu, 04/10/2024 00:24 SA
Tìm giải pháp cho vùng đất ngập nước Phú Yên
Thứ Năm, 18/12/2008 14:30 CH

“Điều tra đánh giá thực trạng các vùng đất ngập nước tiềm năng ven biển tỉnh Phú Yên và đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả, bảo tồn và phát triển cộng đồng” là đề tài khoa học thuộc chương trình SEMLA Phú Yên. Đâu là giải pháp khả thi được đề tài này đưa ra?

 

vung-nuoi-tom-081218.jpg

Nhiều hồ nuôi tôm ven vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) bị bỏ hoang do ô nhiễm môi trường nước - Ảnh: N.T

 

SUY THOÁI DO KHAI THÁC QUÁ MỨC

 

Vùng đất ngập nước ven biển của tỉnh Phú Yên có diện tích 504,2 ha phân bổ trên 3 thủy vực là đầm Cù Mông (226 ha), vịnh Xuân Đài (95,7 ha) và đầm Ô Loan (182,5 ha). Theo điều tra mới đây do Trường đại học Khoa học Huế thực hiện, trước đây hệ thực động vật nơi đây rất đa dạng, phong phú bao gồm 263 loài tảo phù du, 9 loài cỏ biển, 35 loài thực vật ngập mặn, 90 loài động vật phù du, 14 loài động vật thân mềm, 224 loài cá.

 

Tuy nhiên gần đây, hệ động thực vật đó suy giảm rất nhiều, đồng thời xuất hiện nhiều thực vật có hại như tảo với mật độ dày ở đầm Cù Mông và đầm Ô Loan, ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh. Đáng chú ý, diện tích rừng ngập mặn ven đầm, vịnh hầu như không còn do dân lấn chiếm làm hồ nuôi trồng thủy sản. Lo ngại hơn là chất lượng nước suy giảm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) ở đầm Ô Loan chỉ đạt giá trị trung bình 4,6mg/l, có lúc thấp nhất là 2mg/l. Vào mùa mưa, mật độ vi sinh vật gây bệnh gia tăng, tạo nhiễm khuẩn khá cao trong nước ở khu vực vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Đây là những nguyên nhân làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh và làm chết hàng loạt loài thủy sản thả nuôi với mật độ dày.

 

Với hệ động vật phong phú đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao như sò huyết, hàu cửa sông, điệp seo, ngao dầu... nên vùng đất ngập nước là nguồn lợi thủy sản quan trọng của cư dân sinh sống ven đầm, vịnh. Trước năm 1990, sinh kế chính của dân cư nơi đây là khai thác thủy sản bằng các nghề truyền thống như nghề chắn, nghề đáy, nghề lưới, nghề bóng... Dưới áp lực gia tăng dân số và nghèo đói, việc khai thác càng về sau càng diễn ra quá mức, có cả khai thác mang tính hủy diệt bằng điện, nên nguồn lợi thủy sản ở đầm, vịnh suy thoái nhanh. Trước tình hình đó, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản là giải pháp thích hợp góp phần giảm áp lực khai thác ở đầm, vịnh. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của nghề này đã vượt quá sự quản lý, kiểm soát của chính quyền địa phương. Diện tích hồ nuôi mở rộng làm mất dần các vùng sinh cư quan trọng của ấu thể thủy sản. Mặt khác, hóa chất dùng diệt tạp, xử lý ao đìa thải ra gây ô nhiễm môi trường tự nhiên của thủy sản sinh sống trong đầm, vịnh và tác động tiêu cực trở lại đối với nghề nuôi trồng thủy sản. Kết quả, cả nghề khai thác và nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng đất ngập nước đều khó khăn, đẩy đời sống kinh tế - xã hội của những khu vực này đi xuống.            

 

GIẢI PHÁP BẢO TỒN, QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT NGẬP MẶN

 

Theo PGS TS Tôn Thất Pháp (Trường Đại học Khoa học Huế), quản lý chất lượng nước là vấn đề sớm có biện pháp giải quyết để bảo tồn vùng đất ngập mặn ven biển Phú Yên hiện nay. Tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài rồi đến cá mú nuôi ở đầm Ô Loan chết hàng loạt gần đây nói lên tính cấp thiết đó.

 

Sự phát triển mạnh các loài tảo Anabaena spp. là dấu hiệu cho thấy môi trường nước xuống cấp, tạo điều kiện cho tảo phù du, đặc biệt các loài có hại phát triển. Sự ô nhiễm nguồn nước không chỉ do hoạt động nuôi trồng thủy sản quá mức mà còn do sinh hoạt của cộng đồng dân cư ven đầm, vịnh gây ra. Do vậy, việc quan trắc thường xuyên chất lượng nước và sinh vật phù du là cần thiết, kèm theo đó là các biện pháp quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản và quản lý chất thải rắn, nước thải, điều kiện vệ sinh tại khu dân cư ven đầm, không xả chất thải độc hại xuống đầm, vịnh.

 

Hiện tại, các thôn, xã ven đầm, vịnh đã thành lập các tổ quản lý hoặc ban quản lý đầm, vịnh. Đây là mô hình quản lý dựa vào cộng đồng nhưng hiệu quả hoạt động vừa qua chưa cao, vẫn còn tình trạng lén lút đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt. Vì vậy, nên thiết lập lại địa giới ngư trường theo từng xã và đặt dưới ban quản lý của mỗi xã; quy định thời điểm khai thác đối với từng loại thủy sản theo mùa vụ hằng năm, bảo đảm cho việc tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đầm, vịnh.

Cùng với khai thác có tổ chức, việc nuôi trồng thủy sản trong đầm, vịnh cũng cần được quy hoạch lại và chuyển đổi nghề nuôi theo phương pháp thân thiện với môi trường. Đó là giảm số lượng lồng nuôi và mật độ nuôi phù hợp, tăng cường phòng bệnh hơn chữa bệnh, cải tại và giữ sạch môi trường.

 

Về lâu dài, việc trồng cây chẳng những bảo vệ, chống xói lở do tác hại của sóng, gió biển đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản mà còn tạo ra môi trường cho động vật thủy sinh phát triển. Các loài cây ngập mặn phù hợp với khu vực này là đước xanh, đước đôi, vẹt dù, bần... Mặt khác, bảo vệ diện tích cỏ biển ven đầm, vịnh ở Xuân Cảnh, Xuân Thịnh (Sông Cầu), An Hiệp, An Hòa (Tuy An). Qua thiết lập các khu bảo tồn cỏ đó, thực hiện giải pháp thả tôm sú giống vào môi trường tự nhiên nhằm gia tăng nguồn lợi thủy sản ở đầm, vịnh.

 

Thạc sĩ Võ Văn Dũng (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho rằng: Sò huyết Ô Loan là đặc sản nổi tiếng đang trở nên khan hiếm cũng cần có giải pháp bảo vệ tích cực. Vùng đầm gần cồn Lao nằm giữa hai xã An Cư và An Hiệp, vùng giữa đầm thuộc xã An Cư và vùng phía bắc đầm thuộc xã An Ninh Đông có nhiều sò huyết tự nhiên. Vì thế vùng này cần được quy hoạch, xây dựng thành nơi bảo vệ và khôi phục sò huyết theo hình thức quản lý dựa vào cộng đồng có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

 

 

MAI ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek