Kích cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh kết hợp thương mại điện tử… là các giải pháp được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện trong thời gian qua, góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng trong lựa chọn, sử dụng hàng hóa nội địa.
Kết hợp nhiều kênh quảng bá, bán hàng
Đậu dầm Nga Sơn TOFU của Công ty TNHH Nga Sơn TOFU (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) là sản phẩm thủ công gia truyền. Nguyên liệu làm ra đậu dầm hoàn toàn sẵn có tại địa phương, được chọn lọc kỹ lưỡng nên đảm bảo chất lượng và được nhiều người tin dùng. Để phát triển sản phẩm, anh Trần Văn Khoa, chủ cơ sở đã đầu tư thiết bị, công nghệ, học tập kinh nghiệm sản xuất, liên kết với người dân để có nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm an toàn; đồng thời kết nối tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Anh Khoa chia sẻ: Những năm qua, cùng với việc hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trên phạm vi toàn quốc. Chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức bán trực tiếp tại địa phương, qua các hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại, kể cả giới thiệu bằng nền tảng thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm đậu dầm của cơ sở được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó có cả khách nước ngoài. Chúng tôi đang định hướng xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản và các nước lân cận.
Sản xuất các sản phẩm nem, chả từ thịt cung cấp cho thị trường lâu nay, Công ty TNHH Food Thành Phát liên tục tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng. Theo đại diện doanh nghiệp này, trong các sự kiện, chương trình có tính chất xúc tiến thương mại do các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức, doanh nghiệp đều đăng ký tham gia.
Đây là những cơ hội hữu ích để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, các sản phẩm của công ty cũng được kết nối, đăng tải, giới thiệu trên các website thương mại điện tử để người tiêu dùng dễ tiếp cận, mua hàng. Với việc kết hợp nhiều hình thức bán hàng, sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người tin tưởng, lựa chọn.
Theo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, để tăng hiệu quả tiêu thụ các sản phẩm địa phương, ngoài việc bán trên kênh truyền thống, trực tiếp tại cửa hàng, tham gia xúc tiến thương mại, giới thiệu online, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất còn liên kết với các cửa hàng đặc sản, cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở cũng mạnh dạn livestream, giao lưu hợp tác để kết nối với khách hàng, nhà phân phối ở khắp các địa phương.
“Những năm gần đây, sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) được nhiều người biết đến nhờ sự kết nối quảng bá, giới thiệu với khách du lịch, bạn bè trong và ngoài nước qua chương trình triển lãm, trưng bày tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ xúc tiến… ở nhiều nơi. Hiện sức tiêu thụ của sản phẩm truyền thống này đã được cải thiện, tạo thu nhập cho người dân làng nghề”, ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh nói.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hay các chương trình đào tạo, hướng dẫn quảng bá, bán hàng trực tuyến…, doanh nghiệp được học tập, tiếp cận, quảng bá sản phẩm nhiều hơn, hiệu quả tiêu thụ sản phẩm cũng được nâng lên. Tuy nhiên, ngoài việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn nguyên liệu, đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các kênh bán hàng, thì sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng và cần được tăng cường để tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Diễm Lê, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Xuân cho hay: Các doanh nghiệp, HTX… trên địa bàn đã dần thay đổi tư duy và có cách tiếp cận với các hình thức kinh doanh phù hợp với tình hình mới, nên hiệu quả kinh doanh từng bước được nâng lên. Địa phương đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp về hướng dẫn, đào tạo, ứng dụng công nghệ sản xuất, kỹ năng bán hàng trực tuyến… để doanh nghiệp, cơ sở có điều kiện học tập kinh nghiệm, từ đó phát triển năng lực, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những năm qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước và tiêu thụ sản phẩm địa phương, trong đó có cả sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Sở đã đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ trưng bày trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối giao thương với các tỉnh bạn...; gần đây nhất là hỗ trợ tham gia hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, chương trình phát triển thương mại điện tử cấp quốc gia tại Bình Định, chương trình ứng dụng thương mại điện tử và giải pháp thanh toán số tại chợ Tuy Hòa, hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, hội chợ triển lãm thương mại và du lịch Phú Yên, hội chợ thương mại Festival Huế 2024, tổ chức đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Sông Hinh…
Công tác này tiếp tục được ngành Công Thương thực hiện thường xuyên để vừa hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, vừa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh và của đồng bào DTTS, miền núi sản xuất.
Việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với phát triển các nền tảng thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gia tăng hiệu quả tiêu thụ hàng hóa. Sở Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. |
KHANG ANH