Kết nối với tỉnh Khánh Hòa giúp các HTX của Phú Yên có thêm cơ hội tiếp cận thị trường tỉnh bạn; kết nối với các tỉnh trong khu vực sẽ giúp hàng hóa của các HTX vươn tới thị trường khu vực. Đây chính là điều mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang cần để nâng cao chất lượng hoạt động.
Kết nối liên tỉnh, liên vùng
Thực hiện Chương trình quan hệ hợp tác đồng bộ, toàn diện thúc đẩy phát triển KT-XH giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, mới đây, Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa và Liên minh HTX Phú Yên ký kết chương trình phối hợp hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2024-2030.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tỉnh có 205 HTX, liên hiệp HTX và 4 quỹ tín dụng nhân dân cùng 20 doanh nghiệp là thành viên Liên minh HTX tỉnh. Thế mạnh của các HTX của tỉnh là du lịch, thủy sản, sản xuất nông nghiệp. Khánh Hòa và Phú Yên có nhiều điểm tương đồng về lợi thế phát triển, điều kiện tự nhiên.
Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa muốn hợp tác với Liên minh HTX tỉnh Phú Yên để phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP cũng như xúc tiến thương mại đối với các ngành hàng nông, thủy sản… Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa cam kết tạo điều kiện cho các HTX ở Phú Yên tham gia đầu tư vào hệ thống kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại địa phương; sản phẩm của các HTX được giới thiệu tại các hội chợ ở Khánh Hòa…
Không dừng lại ở thị trường tỉnh Khánh Hòa, Liên minh HTX tỉnh còn tạo cơ hội để các đơn vị kinh tế tập thể của tỉnh kết nối liên vùng khi tham gia ký kết Bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với liên minh HTX tại 10 tỉnh, thành phố. Theo Liên minh HTX tỉnh, đơn vị kết nối với liên minh HTX các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 2 thành phố là TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Thông qua biên bản ghi nhớ này, các HTX ở tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại, trưng bày, quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGAP, OCOP; mở rộng thị trường thông qua các hội chợ, phiên chợ, hội nghị, triển lãm sản phẩm hàng hóa, nông sản…
Cơ hội và thách thức
Các HTX trong tỉnh đang từng bước hoàn chỉnh sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường rộng lớn hơn. Theo ông Huỳnh Thái Bình, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), sản phẩm của HTX chủ yếu là nông sản tươi, như đậu đỏ, đậu ván, ớt được trồng theo quy trình kỹ thuật. Nhưng khi tham gia thị trường, nói với khách hàng là sản phẩm sạch chưa đủ mà phải có căn cứ. Để kinh doanh sản phẩm ngày một chuyên nghiệp, HTX đã xây dựng mã vùng trồng cho các nông sản này. HTX hy vọng, các nhà đầu tư, khách hàng yên tâm lựa chọn sản phẩm của HTX.
Ông Nguyễn Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), chia sẻ: Sản phẩm gạo thơm hoa vàng của HTX đã hoàn chỉnh hơn rất nhiều nhờ những lần được xúc tiến thương mại. Từ một sản phẩm với mẫu mã thô sơ, HTX từng bước thay đổi bao bì, mẫu mã, xây dựng thương hiệu, làm mã hàng hóa. Hiện HTX tiếp tục hoàn thiện thêm sản phẩm để được công nhận là sản phẩm OCOP sau khi hết hạn lần 1. “Hội nhập thị trường giúp HTX hiểu ra rằng cơ hội sẽ đến với những sản phẩm chuyên nghiệp. Càng chỉn chu từ hình thức và chất lượng thì càng thu hút khách hàng và các đối tác liên doanh hợp tác”, ông Khoa nói thêm.
Theo ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, việc kết nối với liên minh HTX các tỉnh, thành phố không chỉ tạo điều kiện cho các HTX tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm mà hơn hết thêm cơ hội để sản phẩm các HTX vượt ra khỏi phạm vi xã, huyện, tỉnh để vươn tới thị trường rộng hơn là khu vực và cả nước. Có như vậy, các HTX mới trưởng thành và phát triển bền vững. Cũng từ đây, các sản phẩm của tỉnh qua kênh của HTX được ghi dấu.
MINH DUYÊN