Thứ Sáu, 04/10/2024 18:23 CH
Xung quanh vấn đề cốt nền đô thị TP Tuy Hòa
Thứ Năm, 04/12/2008 13:00 CH

Cốt nền (cao độ nền) của đô thị là một trong những tiêu chí được xem xét trong quá trình lựa chọn địa điểm để xây dựng đô thị, là tham số để đánh giá quỹ đất xây dựng, là thông số đầu vào của bài toán quy hoạch xây dựng... Cốt nền thường được quyết định bởi bài toán kinh tế và cảnh quan, môi trường của đô thị.

 

nuoc-ngap081204.jpg

Đường Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) bị ngập lũ trong khi đang thi công hồi cuối tháng 11/2008 - Ảnh: D.T.X

 

Cốt đô thị luôn tồn tại xuyên suốt quá trình, từ lúc khai nguyên đến khi hình thành, phát triển đô thị. Theo từng giai đoạn cụ thể, sự xuất hiện của nó mang những “danh phận” khác nhau, quan trọng nhất là khi nó đã trở thành cơ sở khoa học, mang tính pháp lý để giải quyết bài toán san nền – thoát nước của đô thị.

 

Bên cạnh các số liệu về lưu lượng mưa, tần suất lũ, lưu vực thoát nước, quy luật triều cường… cốt đô thị còn được tính toán căn cứ vào lưới khống chế cao độ nhà nước theo các cấp hạng khác nhau và lưới cao độ kỹ thuật. Lưới cao độ này được xác định bởi mặt nước chuẩn, nếu mặt nước chuẩn là quy ước thì đó là cao độ giả định (độ cao tương đối) còn nếu là mặt nước chuẩn gốc (mặt Geoid) của quốc gia thì gọi là cao độ tuyệt đối). Mặt Geoid của Việt Nam được xác định đi qua Trạm hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) và Mũi Nai (Hà Tiên). Đây cũng chính là mặt quy chiếu trắc địa về cao độ chuẩn quốc gia.

 

Sau khi cốt đô thị xác lập, nó sẽ được biểu diễn trên nền bản đồ địa hình, là loại bản đồ mà trên đó vừa thể hiện địa vật, như: nhà cửa, công trình, đường sá, sông ngòi…, vừa thể hiện hình dáng cao thấp của mặt bằng đô thị (đường đồng mức). Thông qua các phép chiếu, bản đồ địa hình được xây dựng bởi các hệ tọa độ, như: Gauss-Kruger, UTM (Universal Transverse Mercator) và ngày nay là hệ cao – tọa độ (Vn2000) được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

 

Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng, nếu hiện nay đô thị chưa cập nhật, chỉnh biên, chuyển đổi, bổ sung hệ thống lưới khống chế cao độ nhà nước và lưới cao độ kỹ thuật (hệ tọa độ Vn2000) thì vấn đề cốt nền của đô thị đó cần phải xem xét lại. Chắc chắn rằng nó sẽ trở thành sự kiện “khẩn cấp” của chính quyền đô thị.

 

Đối với đô thị Tuy Hòa, sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự giúp đỡ về chuyên môn của Bộ Xây dựng, đồ án quy hoạch xây dựng tổng thể thị xã Tuy Hòa đã được xác lập năm 1992 và điều chỉnh vào năm 2000. Theo đó, cốt nền của đô thị đã được tính toán, xác lập thông số theo từng lưu vực.

 

Vừa qua, đô thị Tuy Hòa cũng đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt điều chỉnh mở rộng cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, những thông số quy hoạch về cốt nền nêu trên của thành phố vẫn được xem xét tôn trọng và mở rộng sang khu đô thị mới bờ nam sông Đà Rằng. Như vậy, xét về tổng thể, cốt nền của đô thị Tuy Hòa đã được xác lập ngay từ đầu, nay vẫn còn giá trị pháp lý và gắn liền theo từng lưu vực thoát nước cụ thể.

 

Thế nhưng, tại sao lại xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ ở khu vực nội thành? Tại sao trên cùng một đoạn đường lại có đoạn ngập, đoạn không? Tại sao trên cùng một dãy phố, nền nhà này cao, nền nhà kia lại thấp? Để trả lời những câu hỏi này phải xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo ở nhiều góc độ, trên bình diện rộng của cả quá trình phát triển đô thị ở các thời kỳ.

 

Sẽ không thừa nếu như ngay từ bây giờ, chúng ta cùng nhau rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn TP Tuy Hòa đã được lập và phê duyệt trước đây (cả về lượng và chất), đồng thời tiến hành kiểm tra đối chiếu giữa kế hoạch đầu tư hàng năm cho đô thị với tiến độ ưu tiên đầu tư theo quy hoạch xây dựng được duyệt… Kết quả kiểm tra ít nhiều sẽ trả lời những câu hỏi nêu trên.

 

Mặc dù đô thị Tuy Hòa đã có cốt nền nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chúng chỉ tồn tại trên giấy với hệ cao độ cốt giả định, chưa được chuyển đổi sang hệ tọa độ chuẩn quốc gia (Vn2000) và cắm mốc ra ngoài thực địa. Vấn đề này đã gây lúng túng cho chính quyền đô thị và cơ quan quản lý quy hoạch mỗi khi thỏa thuận, cung cấp thông tin về cốt xây dựng đối với từng dự án đầu tư xây dựng công trình cụ thể (thường lấy cao độ cốt so sánh hoặc “mua mốc” Vn2000 của Sở Tài nguyên – Môi trường để thỏa thuận).

 

UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép Sở Xây dựng lập dự án Cập nhật, bổ sung xây dựng hệ thống mốc khống chế cao – tọa độ (Vn2000) TP Tuy Hòa. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện vì những lý do không thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng.

 

Th.S NGUYỄN ĐÌNH PHONG

   (Sở Xây dựng Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek