Thứ Sáu, 04/10/2024 20:20 CH
5 nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế
Thứ Tư, 03/12/2008 10:18 SA

Trong hai ngày 1 và 2/12 tại văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Chính phủ đã nghe báo cáo tình hình kinh tế-xã hội trong 11 tháng qua; Tập trung thảo luận và thống nhất triển khai ngay 5 nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, khắc phục đình trệ trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước những tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

chinh-phu-081203.jpg
Ảnh: VOV

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định: Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng 11 tháng qua nền kinh tế nước ta vẫn đạt tăng trưởng trên 6,5%, các biện pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy kết quả, nền kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, bảo đảm tốt an sinh xã hội với số tiền trợ cấp lên tới gần 20.000 tỉ đồng (cao gấp 4 lần so với cả năm ngoái). Đây là nỗ lực của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và nêu rõ, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiên nay, thiên tai lũ lụt ở trong nước đang kìm hãm sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong nhiều ngành và lĩnh vực. Tháng 11 là tháng thứ 5 liên tiếp tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giảm sút. Ngành xây dựng cũng liên tục tăng trưởng âm trong nhiều tháng qua. Kim ngạch xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách, thị trường chứng khoán, dịch vụ, du lịch, vận tải và sức mua đều sụt giảm. Các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su đồng loạt giảm giá từ 30 đến 50%, thậm chí giá cao su đã xuống dưới mức giá thành sản xuất. Một số sản phẩm khác như xi măng, thép, phân bón đang tồn kho với số lượng lớn.

Nguyên nhân nền kinh tế đang trong chiều hướng suy giảm bắt nguồn từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, cộng hưởng với những khó khăn trong nước, nhất là chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều yếu kém và bất cập. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã lường trước những khó khăn này và có phương án ứng phó ngay từ khi thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ phải thực hiện đồng bộ, đồng thời mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đã đề ra mà Quốc hội và Trung ương đã thông qua với các giải pháp đồng bộ. Nhưng xác định nhiệm trọng tâm tập trung mọi nỗ lực và bằng mọi giải pháp đồng bộ để ngăn chặn cho được suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 5 nhóm giải pháp cấp bách yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện ngay. Thứ nhất thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Các bộ, ngành và các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực là lợi thế của đất nước như nuôi trồng và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, gạo, cà phê, cao su; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn như sản phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm nhựa; mở rộng thị trường du lịch và nghiên cứu việc miễn visa cho một số nước để thu hút khách du lịch…

Thứ hai là kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Thủ tướng nhấn mạnh: Các nguồn vốn từ ngân sách xây dựng cơ bản tập trung năm 2009, vốn trái phiếu Chính phủ và ODA tiến hành giải ngân ngay cho những công trình đã có danh mục, nhất là các công trình xây dựng trong lĩnh vực giáo dục và y tế, các dự án y tế, giáo dục, nông nghiệp ở vùng sâu vùng xa dưới 5 tỷ đồng thì giao trách nhiệm cho chủ đầu tư và người quyết định đầu tư quyết định việc đấu thầu và tự chịu trách nhiệm. Dứt khoát năm 2009 phải giải ngân hết các nguồn vốn ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ bản, kể cả ứng trước vốn năm 2010 để triển khai xây dựng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tạo môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội; thu xếp đủ vốn và triển khai hiệu quả các dự án, công trình lớn về hạ tầng giao thông, điện, phân đạm, xi măng, thủy lợi, kênh mương nội đồng, trường học, trạm xá, nhà ở xã hội…Trong bối cảnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng cần ưu tiên giao doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án, công trình. Đây không chỉ là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo kích cầu đầu tư và tiêu dùng mà còn đảm bảo việc làm cho người lao động.

Thứ ba là thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt và hiệu quả để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng nhà nước tiếp tục công bố giảm 1% lãi xuất cơ bản. Cùng với đó là các bộ, ngành chức năng thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ về tài chính tiền tệ như giảm-giãn-miễn thuế, cơ cấu lại nợ để giãn nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; rà soát, bãi bỏ và giảm các khoản phí, lệ phí và các thủ tục hành chính bất hợp lý liên quan đến nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa; kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến thủ tục hải quan…

Chính phủ cũng thống nhất dành 1 tỉ đô la (16 nghìn tỉ đồng) để sử dụng vào mục đích kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Nhóm giải pháp thứ tư là đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, dứt khoát không để người dân nào phải thiếu đói; tập trung triển khai bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất cả nước ngay từ đầu năm 2009.

Thứ năm là việc tổ chức điều hành và thực hiện các nhóm giải pháp phải quyết liệt, linh hoạt, kịp thời và phù hợp với tình hình mới. Từng bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, phân tích, dự báo và đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách và giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động của tình hình trong nước và thế giới; quyết liệt cải tiến thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực cụ thể, nhất là trong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, thủ tục nộp thuế và hải quan; đề cao trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện các mục tiêu giải pháp đã đề ra, gắn với chủ động cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí để thông tin chính xác và kịp thời. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương dứt khoát không để thiếu hàng hóa thiết yếu; ngăn chặn tình trạng đốt pháo; tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên Đán sắp tới.

Cũng trong phiên họp Chính thường kỳ tháng 11, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về Cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án xây dựng thuộc Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh và Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

Theo VOV

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek