Thứ Bảy, 05/10/2024 20:16 CH
Doanh nghiệp chế biến mía đường:
Tìm giải pháp giữ vùng nguyên liệu
Thứ Ba, 18/11/2008 11:30 SA

Một lần nữa, nỗi lo thiếu nguyên liệu lại đặt ra đối với các doanh nghiệp mía đường Phú Yên, khi mà vụ sản xuất 2008 - 2009 sắp đến nhưng diện tích mía lại giảm gần 10%. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ nông dân đang là giải pháp được các công ty mía đường tính đến để giữ vững vùng nguyên liệu.

 

mia-081118.jpg
Nông dân xã Sơn Hà (Sơn Hòa) thu hoạch mía cung cấp cho nhà máy đường KCP Sơn Hòa theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: N.T

 

DIỆN TÍCH MÍA GIẢM, NHÀ MÁY THIẾU NGUYÊN LIỆU

 

Trong niên vụ sản xuất 2007 - 2008 vừa qua, Phú Yên có 20.329 ha mía với sản lượng hơn 1.051.300 tấn, song các nhà máy đường chỉ mua và đưa vào chế biến 758.779 tấn mía, sản xuất 67.056 tấn đường, bằng 82,4% vụ trước. Các nhà máy đường hoạt động đạt 80% công suất thiết kế. Trong khi đó, người trồng mía thu lợi nhuận không cao, khoảng 5 - 6 triệu đồng/ha nên đang chuyển sang trồng các loại cây khác (như sắn) để mong có lãi hơn. Tại hội nghị tổng kết mía đường của tỉnh Phú Yên mới đây, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết, diện tích mía ở Phú Yên đã giảm 1.813 ha so với vụ trước, hiện chỉ còn 18.516 ha. Trong đó vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa giảm gần 600 ha, Công ty TNHH Công nghiệp KCP- Việt Nam giảm hơn 1.100 ha. Dự ước năng suất mía niên vụ này đạt bình quân 55 tấn/ha với sản lượng 1.018.300 tấn mía cây, giảm 30.000 tấn so với vụ trước.

 

Trong niên vụ 2008 - 2009, các doanh nghiệp mía đường sẽ mua và đưa vào chế biến 675.000 tấn mía, giảm gần 83.800 tấn so với vụ trước. Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa có nhà máy với công suất 1.250 tấn/ngày sẽ mua, chế biến 150.000 tấn; Công ty TNHH Công nghiệp KCP- Việt Nam với 2 nhà máy có công suất hơn 5.000 tấn/ngày sẽ ép 525.000 tấn mía. Như vậy, niên vụ này, các nhà máy sẽ càng thiếu nguyên liệu và có khả năng hoạt động kém hiệu quả hơn vụ trước.

 

ĐẦU TƯ GIỮ VÙNG NGUYÊN LIỆU

 

Theo tính toán của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, mỗi ha mía trồng mới theo đúng các quy trình kỹ thuật thâm canh để có năng suất, chất lượng cao cần 15 triệu đồng. Công ty có chủ trương tăng suất đầu tư trồng mới cây mía từ  9 lên 15 triệu đồng/ha, chăm sóc mía gốc từ  5 lên 8 triệu đồng/ha, áp dụng từ niên vụ 2009 - 2010. Người trồng mía sẽ được công ty cung cấp giống mía mới (trả lại khi thu hoạch), đồng thời cung cấp phân bón và ứng trước tiền để chi phí cho khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Ông Lê Tấn Đàm, Trưởng phòng Nguyên liệu, cho biết: Nông dân nhận đầu tư của công ty sẽ được hỗ trợ 1 tấn phân vi sinh, chi phí vận chuyển mía giống, phân bón đến tận ruộng, mượn giống không tính lãi; tính ra các khoản hỗ trợ này gần 5 triệu đồng/ha. Mặt khác, công ty bảo hiểm mía đạt 9 chữ đường, bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Hy vọng với chính sách đầu tư mới này, chúng tôi sẽ “kéo” nông dân trở lại với cây mía. Mục tiêu công ty đặt ra là trong vụ tới có ít nhất 1.200 ha mía được trồng mới, cùng với diện tích mía lưu gốc hiện có khoảng 2.000 ha sẽ cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy”.

 

Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía với 5.250 hộ dân trên diện tích 12.350 ha, chiếm 95% diện tích mía quy hoạch cho công ty. Theo ông R. Subbaiah, Tổng giám đốc KCP, ngành mía đường chịu sức ép cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập WTO do năng suất mía quá thấp so với các nước trong khu vực. Cây mía đang kém sức cạnh tranh so với các loại cây trồng khác nên cần phải nhanh chóng đưa năng suất lên 70- 80 tấn/ha thì nông dân mới có lãi và yên tâm gắn bó với cây mía. Theo hướng đó, công ty ưu tiên đầu tư đưa giống mới cao sản cho bà con nông dân thay dần giống cũ, đồng thời tăng cường hỗ trợ phân bón, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Bên cạnh đó, hằng năm công ty còn đầu tư hàng tỉ đồng để hỗ trợ các xã trong vùng nguyên liệu tu bổ, nâng cấp hệ thống giao thông nội vùng, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển mía, giảm chi phí cho nông dân.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà cho rằng, để giữ vững vùng nguyên liệu mía, các công ty mía đường cần phải mua nguyên liệu với giá đảm bảo cho nông dân có lãi 30 - 40%. Năng suất mía nhiều năm qua ở mức 50 tấn/ha mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu nước tưới. Ở những vùng có nước tưới ổn định, năng suất mía đã đạt trên 100 tấn/ha, nông dân có lãi khá nên yên tâm gắn bó với cây mía. Tuy nhiên, trên địa bàn mới có 7 công trình thủy lợi tưới được 1.282 ha. Giải quyết khâu thủy lợi đưa năng suất mía của tỉnh lên trên 70 tấn/ha thì không cần mở rộng diện tích vẫn bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy. Do vậy, doanh nghiệp mía đường cần mạnh dạn phối hợp với các địa phương trong vùng nguyên liệu đầu tư phát triển thủy lợi, xem đây là khâu đột phá để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek