Chủ Nhật, 06/10/2024 03:09 SA
Khai thác rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa:
Quyền lợi chủ rừng chưa được giải quyết thỏa đáng
Thứ Năm, 13/11/2008 14:30 CH

Giá đền bù thấp, lại không được quyền khai thác, tận thu sản phẩm ở những dự án Nhà nước thu hồi đất rừng là những bức xúc của HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp 2, phường 9 (TP Tuy Hòa). Chủ rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa này đã có nhiều văn bản kiến nghị song chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết thỏa đáng.

 

rung-duong-1-081113.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng đang tuần tra khu vực rừng phi lao ven biển TP Tuy Hòa - Ảnh: N.T

 

CHỦ RỪNG MẤT QUYỀN KHAI THÁC, TẬN THU SẢN PHẨM

 

Tháng 9/1980, HTX Nông nghiệp Bình Kiến 5 (nay là HTX Nông nghiệp- Kinh doanh tổng hợp 2, phường 9) được UBND TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) giao 666 ha, gồm 296 ha đất có rừng phi lao và 370 ha đất trống dọc bờ biển TP Tuy Hòa để quản lý và trồng rừng phòng hộ. Với vốn liếng của tập thể cùng công sức xã viên, đến năm 1985, HTX đã cơ bản phủ kín cây phi lao (còn gọi là cây dương hoặc dương liễu) trên toàn bộ diện tích nói trên, hình thành vành đai xanh có giá trị phòng hộ ven biển kéo dài hơn 5 km từ phường 7 đến xã An Phú. Năm 1984, Trung tâm Khảo sát thiết kế và Điều tra lâm nghiệp tỉnh Phú Khánh tiến hành đo đạc và lên phương án kinh doanh rừng của HTX với diện tích rừng thực tế là 643 ha. Căn cứ phương án kinh doanh đó, từ năm 1986, HTX được UBND tỉnh cho phép khai thác mỗi năm từ 20-25 ha ở các lô rừng đến tuổi khai thác, để có nguồn kinh phí cho công tác chăm sóc bảo vệ rừng và trồng lại rừng sau khai thác.

 

Theo quy hoạch tổng thể của Phú Yên, rừng phòng hộ ven biển thuộc HTX 2, phường 9 quản lý là khu vực mở rộng TP Tuy Hòa, nên từ năm 2001, việc khai thác rừng phòng hộ không được UBND tỉnh chấp thuận. HTX chỉ được phép khai thác, tận thu sản phẩm ở những diện tích Nhà nước thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thời gian qua, HTX đã khai thác, tận thu rừng trồng các dự án như đường Hùng Vương, đường Độc Lập, KCN An Phú, khu dân cư đô thị FBS, khu dân cư phố mới của Công ty cổ phần Xây dựng Phú Yên...

 

Tuy nhiên, những dự án gần đây, HTX không còn quyền khai thác tận thu sản phẩm như trước. Sự việc bắt đầu từ Thông báo số 86/TB-UB ngày 4/5/2005 của UBND TP Tuy Hòa, khi giao cho UBND phường 9 khai thác cây dương tại khu đất từ đường N5 đến đường số 14 thuộc quỹ đất đường Hùng Vương. Điều này trái với chủ trương trước đây nên HTX 2, phường 9 “đấu tranh” và được Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác. Hiện nay, trên khu vực rừng phòng hộ ven biển do HTX quản lý có 9 dự án được UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất giao lại cho các đơn vị, tổ chức với diện tích hơn 50,43 ha. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhiều tổ chức, đơn vị tự khai thác rừng mà không đếm xỉa gì đến HTX nữa với lý lẽ: Rừng phi lao đó đã được đền bù cho HTX rồi nên chủ đầu tư toàn quyền quyết định (!). Trường Đại học Phú Yên được Nhà nước giao gần 19,53 ha đất thuộc rừng phi lao của HTX để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng trường; khi xây dựng tường rào, đơn vị này đã khai thác 18,9 ster củi, bán lại cho chính chủ rừng, thu 3,78 triệu đồng. Dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa có diện tích hơn 19,52 ha, được UBND TP Tuy Hòa cấp phép cho HTX 2, phường 9 khai thác tận thu sản phẩm phi lao trên diện tích 6,9 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án, nhưng HTX mới khai thác được 1,5 ha thì chủ đầu tư yêu cầu dừng và cử người đến bảo vệ rừng. Dự án trụ sở Công an tỉnh Phú Yên có diện tích hơn 5 ha, thì đơn vị này tổ chức khai thác...

 

GIÁ ĐỀN BÙ CHƯA HỢP LÝ

 

Điều nghịch lý là trong khi giá đền bù các loại cây trồng đều tăng thì giá cây phi lao lại giảm dần. Tại Quyết định số 419/1998/QĐ-UB ngày 19/3/1998 của UBND tỉnh về việc “Ban hành đơn giá đền bù cây hằng năm, cây lâu năm và mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất”, tại mục II về cây xanh, thì cây dương liễu (phi lao) trồng từ 2 đến 4 năm giá 8.000 đồng/cây, trên 4 năm giá 15.000 đồng/cây. Ngày 22/7/1999, UBND tỉnh có Quyết định số 1656/1999/QĐ-UB sửa đổi bổ sung đơn giá đền bù của QĐ 419, thì cây dương liễu: trồng từ 1-3 năm có đường kính 3-5 cm, giá 4.000 đồng/cây; trồng từ 3-5 năm có đường kính 5-10 cm, giá 6.000 đồng/cây; trồng trên 5 năm có đường kính trên 10 cm, giá 9.000 đồng/cây. Đến Quyết định số 656/2005/QĐ-UB ngày 21/4/2005, thì cây dương liễu (mật độ 2.000 cây/ha) trồng 2-3 năm có đường kính 3-5 cm, giá 6 triệu đồng/ha (tương ứng 3.000 đồng/cây); trồng 4-5 năm có đường kính 6-10 cm, giá 10 triệu đồng/ha (tương ứng 5.000 đồng/cây); trồng trên 5 năm có đường kính trên 10 cm, giá 15 triệu đồng/ha (tương ứng 7.500 đồng/cây). Như vậy, sau 10 năm, giá cây phi lao thành thục đã giảm 50%. Trong khi mặt bằng giá đã tăng đáng kể mà việc điều chỉnh giá cây phi lao theo hướng giảm dần là điều bất hợp lý. Ngay cả việc áp giá đền bù hiện nay theo đơn giá từ năm 2005 cũng chưa thỏa đáng. Ông Trần Đình Quang, Chủ nhiệm HTX 2, phường 9 cho rằng: Giá đền bù cây phi lao của Nhà nước hiện thấp hơn 3-4 lần so với giá thị trường. Do đó khi chủ đầu tư tự tổ chức khai thác bán sản phẩm sẽ đủ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là lý do mà các chủ dự án được Nhà nước giao rừng không cho HTX khai thác tận thu sản phẩm như trước nữa. Chủ nhiệm HTX 2, phường 9 thắc mắc: “Đối với hộ dân, khi Nhà nước thu hồi đất, cho phép họ tận thu cây cối, hoa màu, lại hỗ trợ di dời; còn đối với đơn vị kinh tế tập thể, tại sao không được tận thu sản phẩm rừng do chính HTX trồng?”. Trước sự chênh lệch quá lớn giữa giá đền bù của Nhà nước so với giá thị trường, ông Trần Đình Quang bức xúc: “HTX sẵn sàng chấp nhận khai thác tận thu sản phẩm thay vì nhận tiền đền bù”.

 

Những bất cập trên đã được Ban chủ nhiệm HTX nhiều lần kiến nghị và được nhiều ngành ghi nhận là chính đáng, song chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết. Tại văn bản số 243/SNN ngày 4/4/2008 của Sở NN-PTNT gửi UBND tỉnh, thừa nhận: “Việc đền bù sản phẩm cây trồng trong thời gian qua trên diện tích đất rừng trồng của HTX có quyết định thu hồi đất là chưa phù hợp với tình hình thực tế giá bán sản phẩm gỗ, củi rừng trồng. Trong khi đó, hằng năm HTX 2, phường 9 phải bỏ kinh phí để chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng là quá lớn”. Sở này “thống nhất ý kiến đề nghị của UBND TP Tuy Hòa cho phép HTX 2, phường 9 được khai thác tận thu sản phẩm phi lao trên diện tích đất rừng có quyết định thu hồi; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét việc áp giá các loại cây trồng để chi trả tiền đền bù phù hợp với tình hình giá cả hiện nay”. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Hữu Lộc cho rằng: Cần phải xem xét lại nguồn gốc của rừng mà có chính sách đền bù phù hợp, rừng do Nhà nước trồng giao cho HTX quản lý bảo vệ phải khác với rừng do HTX đầu tư toàn bộ. Giá đền bù cần phải tính đến cả chu kỳ phát triển của cây, vì ai trồng cây đều mong thu hoạch khi cây đúng tuổi, lúc đó mới cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

 

NHỮNG KHÓ KHĂN NẢY SINH

 

Đối với HTX 2, phường 9, rừng phi lao ven biển là tài sản lớn nhất, là nguồn thu nhập quan trọng để chia lãi cổ phần cho xã viên và duy trì hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể này. Năm 1999, HTX đạt doanh thu 386,5 triệu đồng, trong đó thu từ rừng 126 triệu đồng nhờ được phép khai thác rừng trồng theo kế hoạch 21,1 ha và khai thác tận thu của các dự án thu hồi đất rừng trên diện tích 15,4 ha. Năm 2001, HTX không còn được phép khai thác rừng theo kế hoạch, chỉ khai thác các dự án thu hồi đất như KCN An Phú, Trường THPT Dân lập Duy Tân được 74 triệu đồng nên doanh thu của HTX chỉ đạt 206 triệu đồng. Riêng năm nay, do mất quyền khai thác tận thu sản phẩm nhiều dự án mới nên nguồn thu về rừng của HTX giảm đáng kể, chưa đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, hằng năm HTX đầu tư 50 triệu đồng cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng. Như vậy, nếu không được phép khai thác rừng theo kế hoạch hằng năm hoặc các dự án thu hồi đất rừng, HTX sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì hoạt động bảo vệ rừng chứ đừng nói có lãi chia cổ phần xã viên.

 

Điều đáng nói, rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa có ý nghĩa về môi trường và cảnh quan nên việc khai thác tận thu sản phẩm trong khu vực dự án mặc dù được Nhà nước giao đất vẫn phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy hoạch và tiến độ triển khai dự án. Song các chủ đầu tư đều chưa quan tâm thực hiện thủ tục này, lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo việc khai thác rừng trái phép đó. Hiện nay do có nhiều dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng, người dân lợi dụng tình hình đó mà lén lút khai thác nên việc bảo vệ rừng càng phức tạp. Ông Nguyễn Tấn Dĩnh, Tổ trưởng bảo vệ rừng của HTX cho biết: “Các dự án được Nhà nước thu hồi không liền nhau, thường chừa lại để làm đường giao thông nên vẫn thuộc quyền quản lý của HTX. Việc bảo vệ rừng khu vực này rất khó khăn, thường bị kẻ xấu lợi dụng chặt phá. Còn các chủ đầu tư tự khai thác, mua bán gỗ củi, HTX không quản lý được. Có trường hợp chúng tôi bắt giữ cộ bò vận chuyển gỗ thì họ bảo của đơn vị thi công cho họ tận thu”.

 

Tại Tờ trình số 356/TTr-DHPY gửi UBND tỉnh, Trường Đại học Phú Yên thừa nhận: “Việc đề nghị được tận thu sản phẩm của cây phi lao của HTX 2, phường 9 là hợp lý. Vì nếu để nhà trường tận thu và quản lý số phi lao đã và sẽ khai thác trong thời gian đến thì với diện tích rộng lớn như vậy nhà trường không thể bảo vệ được; người dân ở khu vực sẽ lợi dụng việc khai thác để xây dựng công trình, chặt phá trộm bừa bãi trên diện tích còn lại. Mặt khác, việc bảo vệ rừng của HTX sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có kinh phí chi trả cho nhân công bảo vệ và kẻ gian sẽ lợi dụng ranh giới giữa 2 chủ thể quản lý để chặt phá cây”.

 

Điều đáng lưu ý nữa, khu vực rừng phòng hộ ven biển của HTX quản lý hiện nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể của TP Tuy Hòa, sẽ còn nhiều diện tích rừng tiếp tục thu hồi để đầu tư cho nhiều dự án như Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, Làng Du lịch quốc tế Biển Xanh... có nghĩa rừng phi lao sẽ thu hẹp dần. Trong khi đó, Nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù đất và cũng không giao diện tích khác, đồng nghĩa với việc HTX 2, phường 9 mất dần điều kiện sản xuất kinh doanh nghề rừng và tương lai hoạt động của HTX sẽ càng khó khăn hơn.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek