Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Tại điểm cầu Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cùng lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước Phú Yên và các đại biểu tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện thu NSNN đến ngày 25/12 đạt gần 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% (tức tăng 72.700 tỉ đồng) so với dự toán, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193.400 tỉ đồng.
Ước đến 31/12/2023, chi NSNN đạt khoảng 1,73 triệu tỉ đồng, bằng 83,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán.
Ngành Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử với việc cung cấp 774 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 367 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 127 dịch vụ công trực tuyến một phần và 280 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2023, tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp so dự toán, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý đảm bảo cân đối ngân sách. Giải ngân chi đầu tư phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Việc khắc phục tồn tại một số lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm có kết quả tích cực, song còn rủi ro, bất cập…
Năm 2024, dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỉ đồng; dự toán chi NSNN là 2,12 triệu tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% và các mục tiêu về tài chính - NSNN, Bộ Tài chính đề ra 11 giải pháp chủ yếu. Trong đó, ngành tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất. Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN.
Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch…
VIỆT AN