Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, kèm theo đó là những vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận diễn biến phức tạp, đe dọa đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh) cho biết:
- Những năm qua, hoạt động TMĐT đã có những bước phát triển, kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến đem lại những giá trị, lợi ích lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh.
Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh không qua tiếp xúc trực tiếp của tổ chức, cá nhân tăng cao, đã tạo cơ hội cho TMĐT phát triển nhanh và trở thành hình thức mua bán quen thuộc.
Kéo theo đó là tình trạng buôn lậu, gian lận, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kém chất lượng, trốn thuế… thông qua TMĐT ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Huỳnh Trang |
* Những hành vi vi phạm cụ thể và nguyên nhân được xác định là gì, thưa ông?
- Buôn lậu, gian lận trong lĩnh vực TMĐT chủ yếu xuất phát từ đặc tính không biên giới, ẩn danh cao của TMĐT. Thông qua các kênh facebook, zalo, tiktok…, một số tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, bán hàng, rồi đăng tải thông tin sai lệch, cung cấp hàng giả, kém chất lượng cho người mua hàng…
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động TMĐT phát triển mạnh trong những năm gần đây, diễn ra chủ yếu qua các nền tảng công nghệ, nhưng các cơ sở cung cấp không có kho chứa hàng, không có địa điểm kinh doanh cố định. Nhiều cá nhân bán hàng online dưới hình thức cộng tác viên nên khi có khách đặt thì mới mua hàng về giao.
Ngoài ra còn có trường hợp lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng sử dụng hình ảnh thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán hàng giả, nhái với giá rẻ hơn rất nhiều so với các đại lý, cửa hàng chính hãng.
Trong 3 năm thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCĐ389, ngày 10/10/2020 của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 57 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động TMĐT.
Trong đó, 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, 9 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 9 vụ vi phạm nhãn hàng hóa, 6 vụ vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ, 1 vụ vi phạm mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại C khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán theo quy định pháp luật, 2 vụ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, 15 vụ vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc…, 2 vụ kinh doanh xăng dầu không đạt yêu cầu về chất lượng, 12 vụ vi phạm thủ tục hải quan. Các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,3 tỉ đồng.
* Theo ông, những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, kiểm soát hoạt động TMĐT hiện nay là gì?
- Công tác quản lý, xử lý hoạt động TMĐT hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và chưa triệt để vì nhiều lý do như: Trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin của công chức thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng đủ yêu cầu để đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT.
Ngoài ra, các đối tượng vi phạm TMĐT rất tinh vi, thường thay đổi hoặc che giấu nhân thân, lý lịch người thực hiện, tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng…
* Ngành chức năng sẽ làm gì để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận, hàng giả, hàng nhái trong TMĐT?
- Để ngăn chặn, xử lý sai phạm, BCĐ 389 tỉnh, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục bám sát chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, UBND tỉnh...; chỉ đạo các lực lượng chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng trên môi trường trực tuyến.
Các đơn vị, ngành chức năng liên quan chủ động lập kế hoạch, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát địa bàn, thị trường trong lĩnh vực TMĐT, nhất là qua các ứng dụng, nền tảng fanpage, website, facebook, zalo...
Các đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, công khai kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân và khuyến cáo, cảnh báo người tiêu dùng.
Đồng thời có những hình thức khen thưởng, động viên các lực lượng, tổ chức, cá nhân, người dân cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống gian lận qua TMĐT.
* Xin cảm ơn ông!
Từ năm 2020-2023, BCĐ 389 tỉnh và các đơn vị chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 57 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động TMĐT; xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,3 tỉ đồng. |
KHANG ANH