Chủ Nhật, 06/10/2024 07:34 SA
Tiến sĩ Nguyễn Như Cường, Viện Bảo vệ thực vật:
Có quy trình ICM, nông dân canh tác hiệu quả hơn
Thứ Ba, 11/11/2008 07:36 SA

Việc xây dựng một quy trình chung về quản lý các loại dịch hại và quản lý về dinh dưỡng (ICM) đối với cây trồng tại mỗi địa phương có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhóm nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do tiến sĩ Nguyễn Như Cường làm chủ nhiệm đang xây dựng những quy trình này tại Phú Yên. Báo Phú Yên đã phỏng vấn tiến sĩ Cường về nội dung này.

 

* Thưa tiến sĩ, quy trình ICM được thực hiện ở Phú Yên thế nào?

 

nnc-081111.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Như Cường
- Khởi đầu cho chương trình này là cán bộ kỹ thuật của Viện Bảo vệ thực vật cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên, Công ty cổ phần BVTV An Giang thực hiện mô hình liên kết bốn nhà sản xuất lúa tại HTX Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa). Nhóm nghiên cứu bên cạnh việc giúp nông dân sản xuất lúa còn nghiên cứu về quy luật phát triển của các loài sâu, bệnh gây hại cùng với thiên địch; nghiên cứu các loại dinh dưỡng trong đất; quy trình phát triển và nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa trong từng giai đoạn. Ngoài nghiên cứu thực tế trên đồng ruộng, nhóm nghiên cứu còn làm bẫy đèn bắt sâu, rầy… và trồng lúa trong chậu để nghiên cứu.

 

Thực ra, quy trình quản lý dịch hại, dinh dưỡng tổng hợp ICM trên cây lúa đã được nông dân Phú Yên tiếp cận và thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đó là việc áp dụng về cơ bản theo từng mùa vụ và chỉ riêng với cây lúa.

 

* Được biết, với riêng cây lúa, chương trình được thực hiện tương tự như chương trình “Cùng nhà nông ra đồng” tại đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với vấn đề này, sự cần thiết của chương trình ICM trên các loại cây trồng khác là như thế nào?

 

- Chương trình quản lý dịch hại và dinh dưỡng cây trồng tổng hợp ICM đã được thực hiện tại một số tỉnh, thành. Ở mỗi vùng sinh thái và với mỗi loại cây trồng, quy luật phát triển dịch hại và dinh dưỡng đều khác nhau. Trong các quy trình sản xuất nông nghiệp, nếu nắm bắt được quy luật phát triển của các loài sâu, bệnh gây hại, quy luật phát triển dinh dưỡng trong cây trồng tại mỗi vùng sinh thái sẽ giúp nông dân dễ thực hiện các biện pháp canh tác hiệu quả hơn. Để đưa ra được những quy luật của hệ sinh thái, chúng tôi phải tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm, trên nhiều phương diện như sâu bệnh hại, các loại thiên địch của sâu bệnh hại, dinh dưỡng đất, nước, môi trường, thời tiết… Nếu hoàn thành tốt công việc này, Phú Yên sẽ có được sơ đồ khung về quy luật thay đổi của môi trường và quy luật phát triển của cây trồng.

 

* Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài tại Phú Yên được hơn 4 tháng. Có gì nổi bật trong các vấn đề nghiên cứu của nhóm thực hiện, thưa tiến sĩ?

 

- Hiện tại, chúng tôi chỉ mới thực hiện nghiên cứu đối với cây lúa và môi trường canh tác cây lúa. Chúng tôi cùng nông dân ra đồng làm lúa, tìm hiểu về tập quán canh tác, bắt các loại sâu, rầy gây hại, tìm hiểu chúng theo từng thời điểm… Đến giờ này, theo tôi và các cộng sự thì môi trường canh tác lúa ở Phú Yên rất tốt, sâu bệnh gây hại ít. Chúng tôi đặc biệt chú trọng tới các loại sâu bệnh có nguy cơ làm bùng phát thành dịch như rầy nâu – loại sâu làm lây lan bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu trước đây và thực tế thời gian qua, rầy nâu xuất hiện ở Phú Yên rất ít và không liên tục nên nguy cơ dịch vàng lùn và lùn xoắn lá vẫn chưa xuất hiện. Hơn nữa, môi trường canh tác tại đây cũng tốt, môi trường đất chưa bị ô nhiễm vì sử dụng quá nhiều các loại thuốc BVTV và hóa chất; môi trường nước, không khí… đều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

 

sri-081111.jpg
Một lớp học thực tế về quản lý dịch hại tổng hợp tại HTX Nam An Nghiệp (Tuy An) - Ảnh: LY KHA

 

* Như vậy, sau khi nhóm nghiên cứu đưa ra kết quả, nông dân chỉ cần áp dụng theo trình tự là có thể đạt hiệu quả trong sản xuất?

 

- Ít nhất sau 3 năm, chúng tôi mới có thể đưa ra những nhận định về quy luật phát triển của mỗi vấn đề trong canh tác cây trồng. Từ những việc nói trên, chúng tôi sẽ có kết quả về nhu cầu trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Nhìn chung trong phạm vi tỉnh Phú Yên, môi trường canh tác khá giống nhau, khác biệt lớn nhất là đồng bằng và miền núi. Từ đó, nông dân có thể áp dụng về cơ bản bởi người canh tác chỉ bổ sung những gì cần thiết tùy theo từng vùng đất và từng hệ cây trồng khác nhau tại vùng đất đó.

 

Không chỉ nghiên cứu quy trình dịch hại và dinh dưỡng tổng hợp trên cây lúa, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu ra các loại cây trồng khác như cây ăn quả, mía…

 

Chắc chắn nông dân sẽ đạt được hiệu quả canh tác cao hơn nhiều so với hiện nay khi có được những sơ đồ quy luật này. Đây cũng là nhiệm vụ góp phần giải quyết vấn đề “tam nông” của nước ta hiện nay.

 

Xin cảm ơn tiến sĩ! 

LY KHA (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek