Chủ Nhật, 06/10/2024 09:37 SA
Để làng nghề phát triển
Thứ Hai, 10/11/2008 07:34 SA

Theo khảo sát gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, toàn tỉnh có 18 làng nghề gồm làng nghề truyền thống, làng nghề cần phục hồi và làng nghề hình thành mới. Theo đánh giá của các ngành chức năng, các làng nghề hiện có trên địa bàn Phú Yên cần phải đầu tư, nâng cấp thêm mới có thể tạo được thế ổn định. Một số làng nghề tuy đạt tiêu chí quy định về làng nghề nhưng lao động “chuyên nghề” chưa nhiều.

 

sx-choi-4-081110.jpg

Sản xuất chổi đót ở làng nghề chổi Mỹ Thành - Ảnh: BÍCH HÀ

 

Thời gian qua, Phú Yên đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển các ngành nghề truyền thống, nhưng cho đến nay vẫn chưa có làng nghề nào đủ mạnh để có thể sản xuất hàng cung cấp cho thị trường nước ngoài. Gần đây, làng nghề đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) phát triển khá mạnh nhờ có chị Nguyễn Thị Thắm - chủ Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất. Chị Thắm đã tự bỏ tiền túi vào tỉnh Bến Tre học nghề đan đát theo hướng thủ công mỹ nghệ từ cọng dừa kết hợp với hàng đan từ nguyên liệu mây tre truyền thống, nhờ vậy đã tìm được thị trường riêng cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Phú Yên đã mời nghệ nhân từ tỉnh Ninh Bình vào truyền nghề cho bà con làng nghề Vinh Ba và hỗ trợ đào tạo nghề cho cơ sở Đồng Nhất. Hiện Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất thu hút gần 300 lao động làm việc với mức thu nhập bình quân khoảng 800.000 đồng/người/tháng. Nghề thủ công này không những thu hút lao động trực tiếp của làng nghề Vinh Ba, mà còn mở rộng ở các xã lân cận như Hòa Thịnh, Hòa Tân Tây, Hòa Mỹ Tây… tạo thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi tại các vùng nông thôn huyện Tây Hòa.

 

Song, hầu hết các làng nghề còn lại, do mạnh ai nấy làm và không có được hạt nhân tâm huyết với nghề nên chưa phát triển. 

 

Thực tế cho thấy, điều cần nhất cho làng nghề phát triển trong thời hội nhập chính là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực này bao gồm những nghệ nhân, những thợ thủ công và chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh. Những nghệ nhân có vai trò quyết định quan trọng trong việc truyền nghề, dạy nghề, đồng thời họ cũng là người sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo.  Tại các làng nghề Phú Yên, dù chưa có nhiều nghệ nhân nhưng các thợ thủ công giỏi, người có thâm niên trong nghề, có tâm huyết, muốn giữ gìn và phát triển nghề thì rất nhiều. Bên cạnh đó, một lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu trẻ có khả năng thích ứng với những điều kiện mới của nền kinh tế thị trường cũng là nhân tố quyết định toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh ở các làng nghề.

 

Đại diện Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho rằng: Trong thời đại hội nhập kinh tế, người làng nghề cần phải thay đổi tư duy kinh doanh, cách nhìn mới như phải biết lột bỏ tính thụ động, biết cạnh tranh sản phẩm và phát huy tính năng động, chủ động hòa nhập vào thị trường lớn. Một  yêu cầu mang tính xuyên suốt để đảm bảo cho làng nghề phát triển là thường xuyên thay đổi mẫu mã và nâng cao độ tinh xảo cho sản phẩm. Muốn vậy, người ở các làng nghề Phú Yên phải “học nghề” lại từ đầu để tiến tới trở thành lao động bền vững, chứ không còn là lao động thời vụ. Bên cạnh đó, người làng nghề phải có tâm huyết, học đến nơi đến chốn thì mới mong “sống” được bằng chính nghề nghiệp của ông cha để lại.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek