Nhiều địa phương đang triển khai chương trình trồng rừng mới. Đây là một trong những kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đa dạng hình thức trồng rừng
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa, đơn vị này đang tiến hành trồng lại rừng sản xuất giai đoạn 2023-2026 theo hình thức trồng lại rừng sau khai thác. Đây là một trong những chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa. Địa điểm thực hiện dự án là khoảnh 1, tiểu khu 144, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa); loại cây keo lai hom, mật độ trồng 2.000 cây/ha, tổng diện tích thiết kế hơn 17ha. Tổng kinh phí thực hiện hơn 482 triệu đồng.
Ngoài chương trình này, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa tiến hành trồng rừng thay thế giai đoạn 2023-2029 thuộc khoảnh 4, 5 tiểu khu 148, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) và khoảnh 4, 6, 8 tiểu khu 153, xã Sơn Hội với loại hình rừng hỗn giao. Các loại cây trồng là sao đen, keo lai hom; mật độ trồng 1.250 cây/ha (sao đen 625 cây/ha, keo lai hom 625 cây/ha) trên diện tích hơn 47ha (hỗn giao 18ha, thuần loài hơn 29ha).
Tại huyện Đồng Xuân, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện này cho biết, đơn vị đang trồng rừng tập trung năm 2023. Trong đó, trồng rừng thay thế là hơn 66ha, với các loại cây lim xanh, giổi xanh, dầu rái, sao, keo tai tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã trồng được hơn 80% diện tích và đang tiếp tục trồng phần còn lại. Đối với rừng sản xuất, theo kế hoạch, Đồng Xuân trồng hơn 106ha keo lai hom, đã hoàn thiện và đang tiến hành nghiệm thu.
Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân cho biết: “Đơn vị nỗ lực triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp phát triển bền vững, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới”.
Kêu gọi hỗ trợ kinh phí, cây giống
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, hưởng ứng đề án Trồng một tỉ cây xanh theo Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện đề án Trồng 15 triệu cây xanh ở Phú Yên. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, cây giống của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; nhận được sự hưởng ứng, đóng góp công lao động của nhiều cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh đã trồng được gần 11 triệu cây, đạt hơn 70% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Thông qua chủ trương xã hội hóa, thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển lâm nghiệp, nhiều đơn vị đã triển khai tốt công tác trồng rừng. Tại huyện Đồng Xuân, Công ty CP Tập đoàn Archi đã hỗ trợ cây quế giống để cán bộ, nhân viên tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân góp công trồng loại cây này xen dưới rừng trồng với diện tích 17ha.
Các loại cây giống đã chuẩn bị cho trồng rừng cũng khá đa dạng như giổi xanh (15.000 cây), lim xanh (15.000 cây), sao đen (35.000 cây), giáng hương (6.500 cây).
“Ngoài việc bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngành Lâm nghiệp tỉnh quan tâm xây dựng sản phẩm chủ lực gắn với mô hình tăng trưởng xanh; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh việc đề nghị trung ương quan tâm chỉ đạo, tiếp tục phân bổ, hỗ trợ kinh phí để công tác trồng rừng hiệu quả, sở cũng kêu gọi các cấp chính quyền, địa phương, ban ngành, đoàn thể chung tay hỗ trợ kinh phí, cây giống… Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.
NHẬT HUY