Thời gian qua, ngoài việc triển khai cho vay và quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) còn tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Biết thông tin từ tổ trưởng tổ vay vốn
Gia đình anh Phạm Văn Phước ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) là một trong hai hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được giải ngân vốn chương trình tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù. “Chúng tôi biết thông tin về chương trình này từ chị Dương Thị Nguyệt, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn. Khi Nhà nước có chương trình, biết gia đình tôi thuộc đối tượng được vay vốn, chị Nguyệt đã chủ động đến chia sẻ, tìm hiểu nhu cầu vay. Đúng lúc chúng tôi cần vốn để đầu tư trồng mía, trồng keo nên chị hướng dẫn làm hồ sơ trình các cấp xét duyệt. Ngày nhận vốn, tôi vui lắm. Nhà nước đã quan tâm đến những người từng lầm lỡ như chồng tôi, thì chúng tôi cũng sẽ nỗ lực vươn lên”, chị Trương Thị Như, vợ anh Phạm Văn Phước, người đứng tên vay vốn cho hay.
Theo chị Dương Thị Nguyệt, vừa là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn vừa là hộ vay nên chị hiểu rất rõ nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn. “Nhiều gia đình trẻ ra riêng, cha mẹ cho đất nhưng thiếu vốn, chưa thể phát triển kinh tế. Qua thông tin từ chị em trong thôn, trong xã, tôi tìm đến tư vấn. Nếu họ có nhu cầu vay, thuộc đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách thì trao đổi với cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn, rồi hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. Có tiền, chị em trồng được đám mía, nuôi thêm con bò, kinh tế gia đình từ đó ổn định hơn”, chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng nhờ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thông tin mà anh La Mo Ân ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) biết được chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Sau khi đăng ký vay vốn và hoàn tất hồ sơ thủ tục, cuối năm 2022, hộ anh La Mo Ân được ngân hàng giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Theo anh La Mo Ân, nếu không nhờ tổ trưởng tuyên truyền, hướng dẫn, một người dân ở vùng sâu vùng xa như anh sẽ không thể tiếp cận thông tin về chương trình vay vốn mới nhanh đến như vậy. Với số tiền vay được, anh đầu tư hết vào trồng keo. Hiện keo đang phát triển, hứa hẹn cho thu nhập tốt.
Nâng cao ý thức của hộ vay
Nói về vai trò của việc tuyên truyền tín dụng chính sách, đại tá Trần Minh Từ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Qua kiểm tra công tác quản lý vốn ủy thác tại các hội cấp huyện, chúng tôi nhận thấy nơi nào làm tốt việc thông tin, tuyên truyền ở cơ sở thì nơi đó chất lượng tín dụng được nâng cao. Công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến tín dụng ưu đãi mà còn phải giúp hộ vay hiểu được có vay thì có trả. Người dân được tạo điều kiện cho vay tín chấp với lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài thì phải có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đúng hạn. Qua đó tạo niềm tin cho hội, cho ngân hàng ở những lần vay vốn tiếp theo; đồng thời giúp người khác có thêm cơ hội tiếp cận vốn tín dụng chính sách.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được NHCSXH chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống truyền thanh của cấp xã… để mọi người dân nắm bắt. Tại 110 điểm giao dịch xã, ngân hàng niêm yết công khai các chính sách tín dụng đang triển khai, thông tin về khách hàng vay vốn, lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, nội quy giao dịch... Thông qua các buổi họp giao ban, NHCSXH Phú Yên cũng tuyên truyền, phổ biến những nội dung chính sách mới đến tận tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời trao đổi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để tháo gỡ kịp thời.
Đặc biệt, ngân hàng phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác chú trọng tuyên truyền miệng từ các cấp hội và hội viên đến các tầng lớp nhân dân về hoạt động tín dụng chính sách, hiệu quả nguồn vốn và phổ biến đầy đủ, kịp thời các chương trình cho vay mới… Qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công tác tuyên truyền góp phần lan tỏa sâu rộng tín dụng chính sách xã hội, để ngày càng nhiều người dân tiếp cận với nguồn vốn, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng. Công tác tuyên truyền còn giúp hộ vay nâng cao ý thức sử dụng vốn hiệu quả, có nghĩa vụ trả nợ đúng hạn… Vì vậy, thời gian tới, NHCSXH và các hội đoàn thể nhận ủy thác càng phải chú trọng hoạt động này.
Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên |
LÊ HẢO