Xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra liên tục trong thời gian qua vẫn chưa dừng lại khi đầu tháng 11 này, Sacombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức giảm lên đến 0,65 điểm %.
Cụ thể, đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng, ngân hàng này giảm 0,3 điểm %. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 5%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 5,3%/năm, kỳ hạn 10-11 tháng có cùng mức lãi suất 5,4%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng trở lên, Sacombank điều chỉnh giảm mạnh từ 0,6-0,65 điểm %, chính thức mất mốc 6%/năm. Theo đó, kỳ hạn 12-13 tháng lùi về 5,6%/năm, kỳ hạn 15 tháng còn 5,7%/năm, kỳ hạn 18 tháng còn 5,75%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng lần lượt còn 5,8% và 5,9%/năm.
Trước đó, vào ngày 20/10, Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,2 điểm % với tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank trong nhiều năm qua, kể cả giai đoạn COVID-19. Hiện ngân hàng này huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 2,8%/năm; 3 tháng lãi suất 3,1%/năm, còn 6-9 tháng là 4,1%/năm. Mức lãi suất niêm yết cao nhất tại ngân hàng này giảm về 5,1%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi 12 tháng dù gửi tại quầy hay trực tuyến. So với đầu năm, lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank đã giảm trên 2 điểm % tại tất cả kỳ hạn.
Theo thống kê, những tháng vừa qua, các ngân hàng kể cả khối thương mại nhà nước lẫn thương mại cổ phần đều liên tục giảm lãi suất. Tại 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank, sau lần điều chỉnh gần nhất, hiện áp dụng lãi suất cao nhất ở mức 5,3%/năm. Còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất trên 6%/năm cũng gần như vắng bóng.
Mặc dù lãi suất huy động của ngân hàng liên tục giảm nhưng tiền gửi dân cư vẫn đổ về. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn ước tính đến cuối tháng 10/2023 là 40.848 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi huy động từ các khu vực được 40.358 tỉ đồng, chiếm 99,7% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn, tăng 12,1% so với cuối năm 2022.
LÊ HẢO