Thực hiện chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh và Hội Nông dân về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2025, hai đơn vị đã hợp tác xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác (THT), HTX góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mô hình THT, HTX là bước khởi điểm cho kinh tế tập thể phát triển. Thời gian qua, Liên minh HTX và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân tìm hiểu, tự nguyện tham gia các hình thức liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
“Từ năm 2018-2023, thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, hội nghị chuyên đề, cuộc thi về Luật HTX, Nông dân đua tài…, hai đơn vị đã phối hợp trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập được 5 THT, 72 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63 THT, 2 liên hiệp HTX và 181 HTX đang hoạt động”, ông Lam cho biết.
Tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải Tây Hòa, với mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên, sau khi được các cấp hội tích cực tuyên truyền và hướng dẫn, HTX này chính thức ra đời và đi vào hoạt động vào cuối tháng 8/2023. “Lúc đầu khi có ý định thành lập HTX, các thành viên khá lo lắng. Tới khi được nghe cán bộ hội tuyên truyền các mô hình HTX kiểu mới, mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho tất cả thành viên và cộng đồng, chúng tôi thống nhất thành lập HTX”, ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT HTX này cho biết.
Nhờ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, mô hình HTX kiểu mới tại vùng miền núi bắt đầu có sự ra đời của HTX công nghệ cao, HTX du lịch dịch vụ trên tinh thần tự nguyện, lấy mục tiêu đồng hành với kinh tế hộ làm động lực phát triển.
Ông Đàm Ngọc Phi, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho hay: Xã Ea Bar nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vì vậy, chúng tôi chọn mô hình HTX, với mong muốn góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thương mại dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Kiện toàn kinh tế tập thể
Cùng với việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao hiệu quả các mô hình. Theo Liên minh HTX tỉnh, trong 5 năm qua, 2 đơn vị đã phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực cán bộ HTX; tập huấn kiến thức về nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; đồng thời tổ chức cho thành viên các HTX nghiên cứu học tập mô hình HTX hoạt động hiệu quả… Kết quả đã hướng dẫn 15 HTX, gần 8.000 thành viên HTX là nông dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với sản xuất an toàn, công nghệ cao… góp phần cùng địa phương xây dựng 2 huyện, 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, các HTX đang có sản phẩm OCOP chiếm ưu thế về mặt thị trường và thương hiệu, đã tạo động lực để các THT, HTX nỗ lực tham gia Chương trình OCOP. Toàn tỉnh có 25 chuỗi sản phẩm với sự tham gia của 17 HTX hoạt động theo chuỗi giá trị đã đem lại thu nhập cao cho thành viên; trong đó có gần 30 sản phẩm của 14 HTX được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, để bảo tồn làng nghề, THT dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh ra đời với nhiệm vụ đưa sản phẩm truyền thống làng nghề ra thị trường bằng con đường OCOP. Ông Kim cho hay: “Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã được biết đến thông qua kết nối du lịch cộng đồng làng nghề, nhưng sản phẩm vẫn chưa thu hút được khách hàng sử dụng. Địa phương đang phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ THT sớm hoàn thiện quy trình sản xuất và xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thổ cẩm, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Xuân Hạnh cho biết: Kinh tế tập thể, nòng cốt là các THT, HTX thời gian qua vẫn luôn được các cấp hội nông dân tích cực phối hợp triển khai thông qua các mô hình sản xuất mới. Từ đây, các THT, HTX thực hiện vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên là nông dân; đồng thời tích cực tham gia vào chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần chuyển dịch và tái cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân là thành viên HTX (bình quân 55 triệu đồng/năm).
Việc thực hiện chương trình phối hợp hướng dẫn thành lập các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã cho ra đời các THT, HTX, gắn việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này khẳng định những ưu điểm của HTX kiểu mới trên tinh thần tự nguyện, hợp tác cùng phát triển.
Ông Lê Thanh Lam Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
NGỌC HÂN