Để các nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, UBND các xã, phường có một vai trò quan trọng.
Các tổ tiết kiệm-vay vốn và cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Hòa giao ban thường kỳ - Ảnh: N.QUANG |
Trong quá trình thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên chỉ đạo ban xóa đói giảm nghèo của địa phương, các hội đoàn thể cấp xã, ban quản lý các tổ tiết kiệm- vay vốn phối hợp với các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tuyên truyền các chủ trương chính sách về tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho NHCSXH củng cố các điểm giao dịch tại xã, phối hợp để công khai các chính sách, quy chế cho vay ưu đãi, chỉ đạo các tổ chức hội, tổ tiết kiệm- vay vốn thực hiện việc bình xét mức cho vay, đối tượng vay. Đồng thời, UBND các xã giao nhiệm vụ cho ban xóa đói giảm nghèo, các tổ chức hội cấp xã, tổ tiết kiệm- vay vốn thường xuyên phối hợp để kiểm tra, hướng dẫn cách thức làm ăn, đôn đốc hộ vay vốn sử dụng vốn vay, xử lý những trường hợp hộ vay vốn gặp khó khăn do những nguyên nhân trong quá trình sản xuất như gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh… Xã Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân) là địa phương điển hình trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác cho hộ nghèo và chính sách. Để tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, UBND xã Xuân Sơn Bắc thống nhất tập trung tất cả các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn xã về Hội Phụ nữ quản lý thay vì chia nhỏ ra cho các hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên cùng quản lý. Ông Trần Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban xóa đói giảm nghèo xã Xuân Sơn Bắc, cho biết: “Để nguồn vốn ưu đãi phát huy hiệu quả, xã quyết định tập trung vốn ưu đãi về một mối cho Hội Phụ nữ quản lý. Nếu Hội Phụ nữ đảm đương công việc không nổi thì giao lại cho hội khác. Nhờ có sự phân công trách nhiệm rõ ràng nên ai cũng có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, vì vậy không có tình trạng xâm tiêu vốn xảy ra”.
Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tại Phú Yên, cho biết: “Trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, UBND các xã, phường đã thể hiện rõ trách nhiệm để các nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao”. Đến nay, chi nhánh NHCSXH tại Phú Yên đã triển khai 7 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 740 tỉ đồng, chủ yếu được chuyển tải qua 2.000 tổ tiết kiệm- vay vốn tại các thôn, buôn trên địa bàn Phú Yên. Các tổ tiết kiệm- vay vốn đều chịu sự điều hành, giám sát của UBND xã, phường nên thực hiện tốt quy chế công khai dân chủ trong việc xét duyệt cho vay, mở đầy đủ sổ sách theo dõi như hướng dẫn của NHCSXH. Chẳng hạn như việc ủy thác vốn qua các cấp của Hội Phụ nữ trên địa bàn Phú Yên được thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn với 1.068 tổ tiết kiệm - vay vốn. Số vốn nhận ủy thác qua kênh này gần 400 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tại Phú Yên song tỉ lệ nợ quá hạn chỉ 1%.
Do có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa hệ thống NHCSXH với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm- vay vốn trong việc cho vay, kiểm tra, giám sát hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nên chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt. Theo ông Đào Tấn Nguyên, kết quả này có sự đóng góp của các cấp chính quyền xã, phường.
ĐẮC PHÚ