Thứ Sáu, 29/11/2024 02:40 SA
Phát triển du lịch Phú Yên:
Nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút du khách
Thứ Tư, 08/10/2008 07:00 SA

Du lịch Phú Yên chưa phát triển mạnh bởi cơ sở hạ tầng yếu, sản phẩm du lịch nghèo nàn và chất lượng phục vụ chưa cao. Tại hội thảo Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp thu hút du khách đến Phú Yên.

 

Ganh-Da-Dia-moi-4-081008.jpg
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại thắng cảnh quốc gia Gành Đá Dĩa - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

THIẾU VÀ YẾU…

 

Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định chấp thuận đầu tư, thông báo chủ trương đầu tư cho 35 dự án du lịch với tổng diện tích trên 1.640ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 5.101 tỉ đồng và 4,94 tỉ USD.

 

Ngành Du lịch Phú Yên đề ra chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2010: Lượt khách du lịch tăng trên 35%/năm; năm 2010 đón khoảng 20.000 lượt; doanh thu dịch vụ du lịch tăng trên 77%/năm, đến năm 2010 đạt 360 tỉ đồng, chiếm gần 4% GDP, chi tiêu bình quân 1 triệu đồng/lượt khách; thời gian lưu trú từ 2 - 3 ngày/lượt khách; công suất buồng bàn đạt trên 65%.

Điểm xuất phát của ngành Du lịch Phú Yên thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực, nhất là cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, khả năng tái đầu tư mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn hẹp. Chưa có sự phối hợp trong đầu tư khai thác các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch; hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá chưa cao. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên Trần Quang Nhất phân tích: “Một số đơn vị kinh doanh có quy mô lớn thì chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên công tác phục vụ có phần chuyên nghiệp hơn. Ngược lại, lao động ở các cơ sở kinh doanh du lịch quy mô nhỏ thường là người trong gia đình, một người có thể kiêm nhiệm nhiều việc. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bộ phận lao động này còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng, chất lượng phục vụ khách không cao”. Ông Nhất còn cho biết, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành về du lịch còn rất ít nên hạn chế trong việc tổ chức quản lý, kinh doanh và hoạch định chiến lược phát triển du lịch lâu dài.

 

Bên cạnh đó, Phú Yên vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn có đủ kinh nghiệm và nguồn lực để xây dựng các khu du lịch đạt chuẩn quốc tế. Việc xây dựng sản phẩm du lịch và khai thác các điểm du lịch còn manh mún, đơn lẻ, chưa có chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên lợi thế của mình. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên Phạm Thị Mỵ thừa nhận: “Môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch vẫn còn một số vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính...”

 

Mặt khác, Phú Yên cũng chỉ mới tập trung giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Các DN du lịch chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên chưa đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Ông Phạm Văn Bảy, Phó phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nói: “Phú Yên chưa đầu tư kinh phí thỏa đáng, chưa có kế hoạch từ lựa chọn, xây dựng đến duy trì, phát triển thương hiệu du lịch. Có những DN bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng lại không dành kinh phí thỏa đáng cho việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu”.

 

Tam-o-Thuan-Thao--081008.jpg
Trẻ em vui chơi ở Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo - – Ảnh: MINH NGUYỆT

 

LÀM THẾ NÀO THU HÚT DU KHÁCH?

 

Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch sẽ góp phần tích cực làm tăng khả năng cạnh tranh của DN hoạt động trong lĩnh vực này trên thị trường, tác động đến chính sách giá, nâng hiệu quả tuyên truyền - quảng bá… Để đạt được điều này, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Theo ông Trần Quang Nhất: “Lao động trong các đơn vị du lịch có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ du lịch, do đó phải được liên tục đào tạo và đào tạo lại”. Ông Đỗ Trí Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên cho rằng: “Việc đầu tư các dự án du lịch lớn trên địa bàn đòi hỏi sớm đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, trong đó giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng và phải đi trước một bước”. Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Minh Thức cho rằng: “Vấn đề xây dựng thương hiệu và khuếch trương thương hiệu cần phải được đầu tư. Dọc theo các con đường “cửa ngõ” vào tỉnh, TP Tuy Hòa và các điểm du lịch cần trưng bày và bán sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm ngành nghề nông thôn. Đưa đặc sản của các làng nghề vào thị trường du lịch là hướng tiếp thị khả thi, sẽ tạo hiệu quả kép là vừa phát triển du lịch, vừa bán được sản phẩm nông lâm thủy sản ở địa phương”.

 

Ông Trương Trọng Cử, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Thảo chia sẻ kinh nghiệm: “Cơ sở kinh doanh du lịch cần đa dạng các sản phẩm, dịch vụ để thu hút du khách nhiều hơn. Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ cho nhau, tạo thế mạnh cạnh tranh để thu hút khách hàng”. Theo ông Cử, việc đa dạng hóa cần tập trung vào tính mới lạ của các sản phẩm du lịch. Do vậy, trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cần tạo nên sự khác biệt dựa trên phong tục tập quán và bản sắc riêng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tâm lý của con người và vùng đất nơi các sản phẩm du lịch đó hiện hữu.

 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần hỗ trợ việc đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mô hình ứng dụng hiệu quả ở một số DN để phổ biến, nhân rộng; xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên kết tạo ra thế mạnh của địa phương…

 

Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn ngành về chất lượng dịch vụ du lịch để thể hiện uy tín, thương hiệu của ngành kinh tế mũi nhọn. Các DN du lịch phải có thái độ kinh doanh nghiêm túc, tránh kiểu “chụp giựt”. Cán bộ nhân viên toàn ngành cũng phải có ý thức nâng cao chất lượng, năng lực để trưởng thành. Cần tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong toàn ngành. Ngành du lịch cần thúc đẩy và ban hành các chuẩn dịch vụ để công nhận đạt chuẩn cho các DN du lịch, để du khách có được niềm tin khi sử dụng dịch vụ; ứng dụng CNTT trong quản lý kinh doanh và xúc tiến du lịch. Ngành cũng cần tổ chức các cuộc thi, cuộc bình chọn chất lượng dịch vụ để khuyến khích và tôn vinh các DN, cá nhân có nhiều cố gắng đạt được trình độ, dịch vụ cao.

 

(Vụ trưởng Vụ lữ hành VŨ THẾ BÌNH)

 

  

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek