Thị trường của chổi Mỹ Thành đã vượt khỏi giới hạn tỉnh Phú Yên, hiện đang tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía
Bà con làng nghề chổi đót ở xã Mỹ Thành đang bó chổi Ảnh: T.LÊ |
Nghề bó chổi (từ nguyên liệu cọng dừa và đót) ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa xuất hiện từ năm 1954. Ban đầu chỉ một vài hộ làm theo quy mô hộ gia đình, đến năm 1975 dần hình thành làng nghề bó chổi Mỹ Thành. Đến nay, nghề làm chổi đã tồn tại và phát triển ở làng nghề này trên 50 năm. Làng nghề hoạt động và phát triển dưới hình thức các hộ tự bỏ vốn mua nguyên liệu, tự đứng ra tổ chức sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của làng nghề là các loại chổi đót và chổi dừa.
Theo số liệu khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, thôn Mỹ Thành hiện có 243 hộ, trong đó có 115 hộ với 350 người tham gia làm nghề này. Giá trị sản xuất từ nghề đạt khoảng 4,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề từ 800.000 -1 triệu đồng/lao động/tháng. Lực lượng chính của làng nghề chủ yếu là lao động nữ. Hiện nay nghề sản xuất chổi đang có thị trường tiêu thụ khá rộng và “ăn hàng”, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân làng nghề ngoài sản xuất nông nghiệp. Chị Cao Thị Nàng, một người làm nghề lâu năm thổ lộ: “Bây giờ cây chổi đót ở Mỹ Thành đã có mặt khắp các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cách đây khoảng 10 năm, do sản xuất nhỏ lẻ và chưa tìm được thị trường nên cây chổi chỉ tiêu thụ trong tỉnh là chính. Những năm gần đây, nhiều hộ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với số lượng lớn. Cùng với việc sản xuất quy mô thì họ cũng bắt đầu năng động trong việc tìm kiếm thị trường cho mình. Nhờ thế, cây chổi Mỹ Thành đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh và tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía
Làng nghề chổi đót Mỹ Thành đang có sự phân công lao động theo hướng chuyên nghiệp. Anh Đặng Ngọc Quyên, chủ một cơ sở sản xuất cho hay: “Lao động nữ phụ trách phần sản xuất, còn nam giới lo tìm đầu ra cho sản phẩm kiêm luôn việc mua nguyên liệu”. Cơ sở của anh Quyên có quy mô tương đối lớn với 15 lao động làm việc mỗi tháng xuất bán 10.000 cây chổi. Mỗi lao động phụ trách một công đoạn khác nhau gồm: bộ phận tước đót, cột con, quấn chổi, bện chổi…
Ông Phan Xuân Hòa, Trưởng thôn Mỹ Thành cho hay: Cây chổi Mỹ Thành ngày nay được cải tiến theo hướng bền đẹp. Chổi được quấn bằng dây cước và thép nên vừa nhẹ vừa êm. Giá thành sản phẩm khá mềm và được bạn hàng tin cậy. Vào dịp khai trường và cuối năm, số lượng chổi của làng nghề tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Nghề làm chổi đã thật sự mang lại cho làng nghề một diện mạo mới và khang trang hơn. Cuộc sống của người dân làng nghề được cải thiện rất nhiều, nhất là sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Hòa thực hiện dự án phát triển làng nghề chổi đót Mỹ Thành, trong đó hội đã triển khai hỗ trợ cho 50 hộ của làng nghề được vay 10 triệu đồng/hộ để có thêm vốn đầu tư sản xuất. Cùng với việc quan tâm của chính quyền địa phương, tại làng nghề này cũng đã thành lập Câu lạc bộ Phát triển kinh tế gia đình nhằm giúp người dân có điều kiện phấn đấu nâng cao tay nghề, quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây chổi Mỹ Thành để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thêm thị trường.
NHÃ ĐOAN