Thứ Sáu, 29/11/2024 15:23 CH
Vịnh Hòa (Xuân Thịnh, Sông Cầu):
Tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi lại trắng tay
Thứ Ba, 30/09/2008 14:30 CH

Tôm hùm thả nuôi ở bãi Trước, thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu) liên tục xảy ra dịch bệnh sữa. Do người nuôi chưa biết sử dụng loại thuốc nào để phòng trị bệnh tôm khiến tôm hùm chết hàng loạt, nhiều người lại trắng tay.

 

tom-hum-chet-080930.jpg

Tôm hùm thả nuôi được 2-3 lạng ở bãi Trước, Vịnh Hòa bị bệnh sữa chết hàng loạt - Ảnh: Q.ĐẠT

 

KÊU TRỜI VÌ TÔM CHẾT

 

Đang mùa nuôi tôm hùm thương phẩm, song người nuôi tôm hùm ở bãi Trước, thôn Vịnh Hòa đành kéo lồng lên chất đống ken dày dọc theo bờ biển. Anh Nguyễn Xuân Phước ngồi bó gối trước biển, than thở: “Tôi thả nuôi 400 con tôm hùm đạt trọng lượng 0,3kg/con, nhưng đã có hơn 200 con chết rớt đáy lồng. Tôi phải bán gấp số tôm còn lại với giá rất rẻ chỉ 80.000 đồng/con, kéo tất cả lồng lên bờ”.

 

Buổi chiều ở cuối bãi Trước, chúng tôi bắt gặp một số ngư dân, sau khi kiểm tra lồng nuôi trên biển, họ mang tôm hùm chết về nhà để… bán cho người tiêu dùng. Ông Trương Phẩm nói: “Cũng giống như hàng trăm hộ khác ở Vịnh Hòa, vụ này, mấy cha con tôi dốc hết vốn đầu tư nuôi 500 con tôm hùm. Bây giờ chỉ còn khoảng 300 con. Hiện tôm tiếp tục bệnh chết, chỉ tính riêng hai hôm nay, có 14 con tôm “rụng” đáy lồng. Đa số tôm bệnh ở đây đều có biểu hiện hở khớp đầu, bụng có nhiều dịch trắng đục lan rộng, sau chuyển sang màu hồng rồi chết”.

 

Có thể thống kê được hàng loạt hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng do tôm chết nhiều, như hai cha con ông Nguyễn Thái Hoàng nuôi gần 2.000 con, nay chỉ còn lại khoảng 1.200 con; hộ ông Nguyễn Ngọc Ký nuôi 500 con chỉ còn 300 con, hộ ông Nguyễn Ngọc Lâm bị thiệt hại gần 150 con tôm,…

 

Trưởng thôn Vịnh Hòa Nguyễn Ngọc Thử cho biết, ở bãi Trước có khoảng 60 hộ nuôi tôm hùm. Trước đây, tôm hùm nuôi luôn phát triển nhanh, sạch bệnh, mang lại nguồn thu rất lớn, làm đổi đời cho bao hộ dân vốn nghèo ở Vịnh Hòa. Năm 2007, tôm bị bệnh sữa làm nhiều hộ nuôi bị lỗ vốn nặng. Do vậy, năm nay, ngư dân chỉ thả tôm nuôi ở bãi Trước khoảng 1.500 lồng, giảm 40% số lượng lồng. Hiện có đến 80% hộ nuôi tôm ở bãi Trước bị thiệt hại, trong đó có 20% hộ nuôi bị thiệt hại nặng…

 

 

long-tom-080930.jpg

Ngư dân thôn Vịnh Hòa bán tôm non và kéo lồng thả ken dày trước biển  - Ảnh: Q.ĐẠT

 

LÚNG TÚNG PHÒNG CHỐNG BỆNH TÔM

 

Vì sao tôm hùm nuôi ở bãi Sau, Vịnh Hòa và nhiều nơi khác ở huyện Sông Cầu đang dần được khôi phục trở lại, nhưng tôm nuôi ở bãi Trước lại tiếp tục xảy ra dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi? Trước tiên, điều dễ nhận thấy là người dân ở đây thả tôm hùm nuôi với vô số lồng bè lớn nằm ken dày ở vùng eo biển bãi Trước. Lượng chất thải từ nuôi tôm tích tụ hàng năm rất lớn, làm cho môi trường quá tải, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây có thể là nguyên nhân gây bùng phát bệnh tôm hùm... Theo trưởng thôn Vịnh Hòa Nguyễn Ngọc Thử, tôm bệnh, môi trường nuôi ô nhiễm nhưng một số người nuôi tôm chưa tích cực xử lý nguồn thức ăn dư thừa, cải tạo môi trường…

 

Thứ đến, do người nuôi tôm còn lúng túng trong công tác phòng chống bệnh tôm hùm. Theo ông Thử, chính quyền địa phương đã tổ chức ba lần tập huấn phòng trị bệnh tôm cho ngư dân Vịnh Hòa. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh qua tập huấn chủ yếu là dùng thuốc tiêm chích chưa hiệu quả, không phù hợp với thực tế nuôi tôm trên biển, nên người nuôi tôm không áp dụng. Do vậy, trước nguy cơ bệnh tôm hùm lây lan, người dân hoang mang, lo lắng, chẳng biết dùng thuốc gì chữa trị, nên đành bất lực, buông tay cho tôm chết từng ngày với số lượng lớn, thiệt hại hàng tỉ đồng.

 

“Còn nước còn tát”, nhiều người đã phải chạy mua đủ các loại thuốc phòng trị bệnh của tôm sú để chữa trị cho tôm hùm! Ông Nguyễn Ngọc Ký cho biết, người nuôi tôm thường sử dụng thuốc tây hiệu Ciprofloxacin màu trắng, các loại thuốc trị bệnh của tôm sú như Anti - Vibrio f/S2, Vitamin C 10%... ngâm trộn vào thức ăn cho tôm hùm, nhưng không có kết quả. “Tôi mua Vitamin C 10% và gói thuốc bột màu vàng (không biết nhãn hiệu gì) đem trộn vào thức ăn để cho tôm ăn, nhưng tôm vẫn chết nhiều.” - ông Trương Phẩm cho biết.

 

Thêm một thực tế nữa là do ai cũng xót của, nên khi vớt tôm hùm chết lên không chịu tiêu hủy mà đem bán cho người dân trong thôn xóm để luộc ăn, hoặc bán cho các tư thương đi tiêu thụ ở các quán ăn ở Phú Yên và các tỉnh lân cận. Điều này vừa gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, vừa tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan ra các vùng nuôi xung quanh.

 

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Phú Yên Nguyễn Văn Do cho biết, trước thực trạng dịch bệnh tôm hùm vẫn tiếp tục xảy ra ở Vịnh Hòa, Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Sông Cầu sẽ sớm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn phương pháp sử dụng các loại thuốc bệnh tôm cho người nuôi tôm áp dụng phòng trị để khống chế tôm bệnh chết gây thiệt hại về kinh tế.

 

QUỐC ĐẠT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek