Thứ Tư, 02/10/2024 17:28 CH
Xung quanh hiện tượng vỡ nợ của một số doanh nghiệp
Thứ Ba, 30/09/2008 07:00 SA

Gần đây, dư luận ở Phú Yên xôn xao về những vụ vỡ nợ của một số doanh nghiệp tại TP Tuy Hòa. Đây không chỉ là vấn đề của bản thân những doanh nghiệp đó, mà còn là nỗi lo của xã hội trước nguy cơ “hội chứng” vỡ nợ có thể xảy ra.

 

thanh-phon-080930.jpg

Cửa hàng điện máy Thanh Phón ở đường Trần Hưng Đạo đã bị ngân hàng niêm phong - Ảnh: N.T

 

Sự việc bắt đầu xảy ra trong hai ngày 6 và 7/9 khi nhiều người kéo đến cửa hàng kinh doanh điện máy Thanh Phón trên đường Lê Thánh Tôn (phường 3, TP Tuy Hòa) để đòi nợ, xiết nợ gây huyên náo ồn ào ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở khu vực này, khiến công an địa phương phải vào cuộc. Theo lời khai của chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Phón với cơ quan chức năng  số  nợ của doanh nghiệp này lên đến 8,5 tỉ đồng; trong đó nợ ngân hàng 5 tỉ đồng, còn lại là vay nóng của nhiều người khác. Ngân hàng đã kiểm kê niêm phong cửa hàng điện máy của doanh nghiệp Thanh Phón trên đường Trần Hưng Đạo. Sự việc tương tự cũng xảy ra gần đây đối với Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm (TP Tuy Hòa). Một chủ tiệm vàng trên đường Trần Hưng Đạo là chủ nợ của doanh nghiệp này hay tin tìm đến nhưng đành ra về tay không. Nhiều chủ kinh doanh ở TP Tuy Hòa cho rằng, có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lâm vào tình thế khó khăn về tài chính và đứng trước nguy cơ vỡ nợ như Thanh Phón.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sự vỡ nợ đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp là năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế nhưng lại dựa vào vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; trong khi đó năng lực quản trị doanh nghiệp kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng không đáp ứng, nên một số doanh nghiệp còn tìm kiếm nguồn vốn khác bằng cách vay nóng từ thị trường tự do với lãi suất cao (3- 4%/tháng) càng đẩy doanh nghiệp lún sâu vào thua lỗ. Có không ít doanh nghiệp sử dụng vốn vay kỳ sau để thanh toán kỳ trước mà duy trì hoạt động của đơn vị mình. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ việc cho vay nên đến kỳ đáo hạn, ngân hàng kiểm tra lại tài sản thế chấp để đảo nợ thì phát hiện doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ nên dừng việc cho vay. Biết tin ngân hàng “đóng cửa” cho vay đối với doanh nghiệp đó, những người cho vay nóng vội tìm đến đòi nợ làm cho doanh nghiệp không kịp trở tay, sinh ra vỡ nợ.

 

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh diễn ra quyết liệt, sự phá sản của doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế do tác động trực tiếp của lạm phát, càng bộc lộ rõ những yếu kém của doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính sống dựa vốn vay và nguy cơ phá sản của doanh nghiệp này càng lớn. Sự phá sản của doanh nghiệp còn tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế- xã hội. Hệ lụy thấy rõ là nhiều người lao động mất việc làm, nhiều người khác mất vốn, nợ nần dây chuyền có thể dẫn đến mất ổn định xã hội. Do vậy đây không còn là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là vấn đề có tính xã hội cần được quan tâm của các ngành chức năng nếu không sẽ dẫn đến “hội chứng” phá sản doanh nghiệp trong thời gian không xa. Trong bối cảnh như vậy, có tỉnh, thành đã thành lập Hội đồng phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời với thị trường, có biện pháp can thiệp, hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Giám đốc một công ty xây dựng ở Phú Yên cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng đều đang điêu đứng vì thua lỗ, có doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Vị giám đốc này lý giải: Doanh nghiệp xây dựng của Phú Yên quá nhiều mà hầu hết đều là doanh nghiệp nhỏ vốn chẳng bao nhiêu. Khi trúng thầu những công trình, dự án lớn có giá trị gấp nhiều lần vốn tự có của mình thì các doanh nghiệp đều bị động về tài chính. Trong bối cảnh lạm phát, giá vật liệu xây dựng gia tăng, nếu chỉ dựa vào vốn vay thì việc thua lỗ là điều dễ hiểu.

 

Theo quy định tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, việc tạm ứng vốn cho nhà thầu không khống chế mức tạm ứng tối đa, có thể tạm ứng 100% giá trị hợp đồng trong phạm vi kế hoạch vốn đầu tư năm. Theo Kho bạc Nhà nước Phú Yên, đến nay mới giải ngân 36% vốn xây dựng cơ bản của kế hoạch năm 2008, chủ yếu là thanh toán khối lượng đã thực hiện; tức việc tạm ứng vốn cho các nhà thầu thực hiện không đáng kể. Trong khi lãi suất ngân hàng cao, vốn lại chờ công trình, vật liệu trượt giá nhanh, chủ đầu tư cần kiểm tra năng lực nhà thầu, nếu đủ điều kiện có thể tăng vốn tạm ứng, giúp doanh nghiệp chủ động vật tư, đẩy mạnh thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan khẩn trương tính toán phần chênh lệch giá vật liệu của khối lượng xây dựng đã hoàn thành, nhanh chóng hoàn tất thủ tục để thanh toán kịp thời cho nhà thầu. Đây là những giải pháp tích cực hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp xây dựng ổn định hoạt động.

 

Về phía ngân hàng cần khắc phục tâm lý “giữ mình” dẫn đến hạn chế cho doanh nghiệp vay mà phải bảo đảm nguồn vay cho các doanh nghiệp trên cơ sở theo đúng quy định và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cần chủ động giải quyết hoặc đề xuất kiến nghị cấp trên kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn. Trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị, lường trước rủi ro và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên tinh thông nghiệp vụ cho các doanh nghiệp cũng là giải pháp lâu dài cần được tính đến.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek