Dự án xây lắp đường dây điện 220 KV Tuy Hòa - Nha Trang đoạn tuyến qua địa bàn huyện Tây Hòa gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện đồng bộ cùng với đường dây 220 KV Quy Nhơn - Tuy Hòa và Trạm biến áp 220 KV Tuy Hòa. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa về việc giải quyết những vướng mắc này. Ông Quyền cho biết:
Đường dây điện 220 KV qua xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: MINH NGUYỆT |
- Công trình đường dây 220 KV Tuy Hòa - Nha Trang đoạn tuyến qua huyện Tây Hòa (gồm 3 xã Hòa Phong, Hòa Đồng và Hòa Tân Tây) đã chậm tiến độ gần 9 tháng. Công trình đang gặp vướng mắc vì chưa giải phóng được mặt bằng 8 hộ dân ở xã Hòa Phong và 6 hộ dân ở xã Hòa Tân Tây, nên chủ đầu tư (Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung) chưa thể tiếp tục thi công dựng cột ở vị trí 35, chưa kéo được dây ở các khoảng cột 34, 35, 36 (thuộc xã Hòa Phong), 51, 55, 60 (thuộc xã Hòa Tân Tây).
Các hộ trên không đồng ý nhận tiền đền bù vì cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng, yêu cầu phải đền bù theo giá hiện nay. Một nguyên nhân khác nữa làm họ lo ngại là nguy cơ nhiễm điện do đường dây điện cao thế đi qua làm ảnh hưởng đến sức khỏe, do vậy yêu cầu phải di dời nhà ra khỏi hành lang tuyến điện hoặc phải dời trụ đi nơi khác. Chính vì những nguyên nhân này mà các hộ dân đã cản trở không cho đơn vị thi công.
* Huyện làm gì để giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù cho dân, thưa ông?
- Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 562/TB- UBND ngày 16/9/2008 về việc giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn tuyến 220 KV qua huyện Tây Hòa có nêu: Tiến hành rà soát, đo đạc lại diện tích nếu dân có ý kiến; cho phép huyện kiểm kê, bồi thường cây cối của dân do phát sinh; toàn bộ phương án bồi thường đã trả tiền cho dân nhận, có một số chưa nhận nhưng đã công khai rồi, tỉnh cho phép áp giá mới vào thời điểm thi công.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Tây Hòa đang triển khai kiểm tra rà soát toàn bộ các vấn đề bồi thường như diện tích, loại đất, áp giá, hỗ trợ, xác nhận lại vật kiến trúc của các hộ dân nằm trong hành lang tuyến điện và lập phương án bồi thường theo giá mới cho toàn tuyến với tổng số 32 hộ được đền bù, hỗ trợ. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo giá mới gần 700 triệu đồng, tăng gần 290 triệu đồng so với phương án được duyệt bồi thường ở thời điểm 2005.
* Sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng, huyện sẽ triển khai các phương án nào để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, thưa ông?
- Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 562, trong tháng 10/2008, công trình phải kéo dây xong và tổ chức đóng điện. Về phía chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, cần giải quyết cho người dân cơi nới, sửa nhà khi sinh sống dưới đường dây điện là phải thiết kế đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, đồng thời cam kết việc xây dựng cơi nới của dân sau này phải đảm bảo an toàn. Đối với các hộ dân ở xã Hòa Phong, chủ đầu tư chọn giải pháp nâng chiều cao trụ điện khoảng 4m để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống lâu dài dưới đường dây điện. Đối với các hộ ở xã Hòa Tân Tây, phải xem xét đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, nếu khoảng cách không phù hợp thì nâng cột. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có bản cam kết với từng hộ dân về việc không xảy ra nhiễm điện.
Về phía huyện Tây Hòa, để công trình sớm tiếp tục thi công, hiện nay huyện đang chỉ đạo các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động, giải thích. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 562, sau khi hoàn thành các công việc xử lý kỹ thuật, công tác bồi thường, hỗ trợ thì chủ đầu tư triển khai thi công ngay và cam kết trong tháng 10/2008 phải kéo dây xong để đóng điện.
* Xin cảm ơn ông!
QUỐC HƯNG (thực hiện)