Thứ Sáu, 01/11/2024 15:26 CH
Nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống
Chủ Nhật, 27/11/2022 07:00 SA

Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa). Ảnh: VÕ PHÊ

Thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống là một trong những mô hình thực hiện chuyển đổi số do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp viễn thông triển khai. Mô hình này bước đầu tạo sự chuyển biến về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, thuận tiện cho người dân.

 

Thí điểm hiệu quả

 

Từ tháng 10/2022, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai thí điểm cho một số tiểu thương bán cố định tại chợ Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa). Theo đó, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đăng ký tài khoản ở ngân hàng, tải ứng dụng Viettel Money trên điện thoại thông minh để sở hữu một mã QR cho tài khoản cá nhân. Mã QR của mỗi tiểu thương cũng được in, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán tiền. Chị Nguyễn Thị Chi, tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Hòa Xuân Tây cho biết: Trước đây, tôi không có tài khoản cá nhân nên khi người mua có nhu cầu chuyển tiền qua tài khoản thì không thể thực hiện được. Hiện tôi đã đăng ký tài khoản ở ngân hàng, có mã QR nên khách hàng có thể thanh toán tiền cho tôi qua điện thoại.

 

Bà Đoàn Thị Kim Hoa, một người dân phường Hòa Xuân Tây bày tỏ: Mỗi lần mang tiền đi chợ, tôi đều lo không may làm rớt hay bị mất cắp, nhất là vào những thời điểm đông người. Tôi đã có tài khoản ngân hàng, nếu các tiểu thương có mã QR thì chỉ cần có điện thoại là có thể quét mã, thanh toán dễ dàng; không tốn thời gian đến ngân hàng rút tiền.

 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Tây, Trưởng ban Quản lý chợ cho biết: Chợ Hòa Xuân Tây có gần 400 hộ tiểu thương. Tuy mới thực hiện thí điểm nhưng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu tạo thuận tiện trong hoạt động mua bán của người dân. Ban quản lý chợ tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế, đánh giá hiệu quả của mô hình; sau đó làm việc với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, lập kế hoạch cụ thể để triển khai rộng rãi cho các tiểu thương.

 

Có kế hoạch nhân rộng

 

Theo chính quyền các địa phương, việc áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống không chỉ thuận tiện cho người mua hàng, mà còn hỗ trợ các tiểu thương trong việc thanh toán các khoản chi phí như tiền thuê mặt bằng, thuế, phí vệ sinh, bảo vệ… cho ban quản lý chợ. Nếu được đông đảo người dân tham gia, mô hình này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số trên toàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Hiện tiểu thương tại các chợ truyền thống ở thành phố như: chợ Tuy Hòa, phường 2, phường 7, phường 9… đã sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. Người mua hàng cũng biết cách thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển khoản. Do vậy, nếu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, thiết lập mô hình Chợ 4.0 văn minh, hiện đại thì hoạt động mua bán của người dân thuận tiện hơn; ban quản lý chợ cũng có thể quản lý, theo dõi, thu các khoản phí dịch vụ của tiểu thương hàng tháng bằng hình thức này. TP Tuy Hòa sẽ tăng cường tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình thực hiện, tích cực hướng dẫn để người dân, tiểu thương biết cách thanh toán tiền trên điện thoại một cách an toàn nhất.

 

Trong thời điểm bắt đầu triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tiểu thương bán cố định tại các sạp hàng, ki ốt sẽ được hướng dẫn sử dụng thí điểm, tiếp đó là ứng dụng rộng rãi cho tất cả tiểu thương ở chợ truyền thống. Ảnh: VÕ PHÊ

 

Lâu nay, hoạt động mua bán của người dân đa phần bằng tiền mặt. Các ban quản lý chợ rất muốn triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để người dân, tiểu thương tiếp cận công nghệ số. Tuy nhiên, ở những khu vực nông thôn, số người dân biết, sử dụng công nghệ, thiết bị thông minh không nhiều; hiện vẫn còn không ít người chưa có tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông, đường truyền internet… ở khu vực các chợ cần được đầu tư thì mới có thể đảm bảo cho việc triển khai mô hình.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money là VNPT, Viettel và Mobifone. Mobile Money là một ứng dụng gắn với tài khoản di động của các thuê bao, cho phép khách hàng nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền ngay trên điện thoại di động. Hiện 100% UBND các xã có kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng; tỉ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 62,45%; tỉ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng 76%. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã và đang mở rộng đầu tư hạ tầng, có kế hoạch bổ sung thiết bị, phủ sóng mạng internet phục vụ nhu cầu địa phương, người dân trong triển khai chuyển đổi số.

 

Phối hợp đồng bộ

 

Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 130 chợ; trong đó có 1 chợ hạng I, 7 chợ hạng II và 122 chợ hạng III. Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, tạo kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn.

 

Ông Huỳnh Gia Phúc, Trưởng phòng Điều hành dịch vụ VNPT Phú Yên cho hay: VNPT Phú Yên đã khảo sát hiện trạng của các chợ truyền thống. Chúng tôi cũng cập nhật thông tin của 1.700 tiểu thương chợ Tuy Hòa để triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ này. Trước mắt, VNPT đã vận động khoảng 30-40% số lượng tiểu thương đăng ký tải ứng dụng VNPT Money. Đơn vị cũng bố trí nhân viên trực tiếp đến các sạp hàng để hướng dẫn tiểu thương cài đặt ứng dụng. VNPT sẽ đồng hành và có cơ chế hỗ trợ ban quản lý chợ, người dân trong quá trình tiếp cận dịch vụ.

 

“Viettel Phú Yên cũng đưa ra ứng dụng Viettel Money để giúp người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt miễn phí. Viettel đã nghiên cứu giải pháp thanh toán tiền trên điện thoại thông thường để phục vụ những người không có điện thoại thông minh. Do vậy, ở khu vực không có đường truyền internet thì người dân vẫn có thể thanh toán trực tuyến bằng phương thức nhập cú pháp theo hướng dẫn từ tổng đài của Viettel”, Phó Giám đốc Viettel Phú Yên Đỗ Thanh Hiền cho biết.

 

Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho biết: Số hóa hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống sẽ hỗ trợ tối ưu cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp trong nghiên cứu định hướng, chống thất thoát, giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải tuyên truyền, giúp người dân tham gia mua bán tại các chợ biết cách thanh toán trực tuyến và hiểu được sự tiện ích khi áp dụng công nghệ số. Các đơn vị cần thực hiện mô hình điểm, sau đó tiến đến nhân rộng cho các chợ truyền thống khác trên địa bàn. 

 

Các doanh nghiệp viễn thông phối hợp cùng ban quản lý các chợ truyền thống sớm triển khai các giải pháp; chủ động phát hiện lỗi từ các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt để nâng chất dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.

 

Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT,

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek