Còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Thời điểm này, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) tích cực giải ngân để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất dịp cuối năm của người dân. Nhờ có vốn tín dụng ưu đãi, nhiều người không phải đi vay nóng với lãi suất cao.
Đưa vốn về tận cơ sở
Những ngày này, vợ chồng bà Đặng Thị Trính ở thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) đang chuyên tâm chăm sóc hơn 200 chậu cúc đại đóa để chờ bán tết. Chồng tưới nước, vợ cắm tăm, cả hai gửi gắm kỳ vọng một mùa tết ấm no vào những chậu cúc này. Bà Trính cho biết: Những năm trước, gia đình đầu tư chăn nuôi nhưng rồi dịch bệnh, thị trường bị ảnh hưởng khiến việc chăn nuôi không đạt nên chúng tôi chuyển hướng. Chồng tôi đến các nơi chuyên trồng hoa, cây cảnh để học hỏi kỹ thuật rồi về bắt tay vào chuẩn bị. Vay được vốn tín dụng chính sách với 40 triệu đồng, chúng tôi đầu tư trồng cúc đại đóa. Đến thời điểm này, cúc đang phát triển tốt. Hy vọng năm nay hoa đạt, gia đình kiếm được chút ít để tiêu tết.
Theo bà Trính, nhờ nguồn vốn ngân hàng tiếp sức nên vợ chồng bà mới mạnh dạn chuyển hướng từ chăn nuôi sang trồng trọt để tạo nguồn thu cho gia đình. Nếu không được vay vốn chính sách mà phải vay bên ngoài lãi cao, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi thì họ xem như bí đường làm ăn.
Tại xã An Thọ (huyện Tuy An), gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Trang ở thôn Quảng Đức cũng đang đầu tư trồng keo từ 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm vay của NHCSXH. Chị Trang cho biết trước đây vợ chồng chỉ làm thuê kiếm sống qua ngày. Khi được ba mẹ cho 1ha đất, chị bàn với chồng vay vốn để sản xuất. Nhờ thời tiết thuận lợi nên hiện cây keo phát triển tốt, kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu cao trong vài năm tới.
Qua hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đời sống của hầu hết người dân bị ảnh hưởng, nhất là ở vùng nông thôn. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, các hội đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực phối hợp với NHCSXH đưa vốn về tận cơ sở để bà con mạnh dạn sản xuất, mở rộng trồng trọt chăn nuôi, cải thiện đời sống, sửa sang nhà cửa, nuôi con ăn học…
Bà Phan Thị Họa Mi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Kiến cho biết: Người dân nông thôn đa phần làm nông nghiệp nên rất cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Làm sao để đưa nguồn vốn ưu đãi đến với bà con, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế là việc hội quan tâm. Trong quá trình quản lý vốn ủy thác của NHCSXH, hội làm cầu nối nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con chuyển đến chính quyền địa phương và ngân hàng xem xét phân bổ vốn; rồi tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đúng hạn. Nhiều hộ vay còn tham gia tiết kiệm đều đặn, định kỳ chuyển tiết kiệm sang trả nợ để giúp giảm áp lực khi nợ đến hạn.
Bà Đặng Thị Trính ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) vay vốn NHCSXH để đầu tư trồng cúc bán tết. Ảnh: LÊ HẢO |
Góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Họa Mi, bên cạnh những hộ vay tiếp cận được vốn, làm ăn hiệu quả thì trên địa bàn cũng có những trường hợp vì làm ăn thua lỗ nên không dám liên hệ với tổ chức hội mà tìm đến các cá nhân, tổ chức cho vay vốn với lãi suất cao. “Nhiều người vì ở vào thế kẹt nên vay tín dụng đen, sau đó thì lãi mẹ đẻ lãi con, trả mãi không xong. Để giúp bà con không lâm vào cảnh khó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về các chương trình ưu đãi của NHCSXH; hướng dẫn đầy đủ thủ tục, cho bà con biết rằng nếu đúng đối tượng, có nhu cầu thì cứ làm hồ sơ để được bình xét cho vay. Thủ tục vay vốn của NHCSXH cũng rất đơn giản, lại được các hội đoàn thể và ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình nên bà con không cần phải lo lắng”, bà Phan Thị Họa Mi nói.
Tại huyện Phú Hòa, Phòng giao dịch NHCSXH địa phương này cũng đang tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ có nhu cầu vay bổ sung để cho vay kịp thời trong thời điểm cuối năm, tránh tình trạng tồn đọng vốn. “Chúng tôi đề nghị các hội đoàn thể ở cơ sở, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn theo dõi chặt chẽ, sâu sát đến từng hộ vay để nắm bắt thông tin, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các tiêu cực phát sinh; hạn chế tối đa tình trạng người dân thiếu vốn, phải vay tín dụng đen”, ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa cho biết.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, từ nay đến cuối năm, NHCSXH Phú Yên tiếp tục tham mưu bổ sung nguồn vốn ngân sách cấp huyện còn thiếu để hoàn thành kế hoạch vốn địa phương năm 2022; đồng thời tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung để cho vay, tạo điều kiện cho người dân có vốn sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm. “Chi nhánh cũng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả, chủ trương chính sách mới để người dân biết, nhanh chóng tiếp cận vốn khi có nhu cầu, tránh tình trạng vay vốn tín dụng đen, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh trật tự tại địa phương”, ông Thục nói.
LÊ HẢO