Trước tình hình lạm phát, giá cả vật tư tăng cao gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng, ngày 17/4/2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 164/TTg-CN, Bộ Xây dựng có Thông tư 09/2008/TT-BXD về hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Ngày 6/5, UBND tỉnh cũng đã có thông báo 242/TB-UBND thực hiện hướng dẫn của Thông tư 09. Tuy nhiên đến nay chưa có công trình nào trên địa bàn tỉnh được bù giá, trong khi đó, các Ban quản lý dự án thì loay hoay chưa biết điều chỉnh giá như thế nào.
Điều chỉnh giá phù hợp với thực tế là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, các nhà thầu xây dựng đón nhận rất phấn khởi nhưng quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh không ít vướng mắc, chưa đáp ứng mong muốn của họ. Vướng mắc chính là trong phương pháp tính toán trượt giá. Thông tư 09 chưa hướng dẫn cụ thể những loại hợp đồng nào được tính trượt giá cũng như phương pháp tính, đồng thời một số điểm hướng dẫn cũng chưa rõ ràng, cho nên chủ đầu tư khó xác định được mức trượt giá cho khối lượng đã thi công. Do vậy, ngày 1/8, Bộ Xây dựng tiếp tục có công văn số 1551 hướng dẫn thêm một số nội dung của Thông tư 09 về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên vật liệu, nhiên liệu. Song theo ý kiến của một số chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp xây dựng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung, làm rõ.
Trưởng ban Quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản huyện Sông Hinh Phạm Văn Hải cho rằng, theo hướng dẫn, giá vật liệu xây dựng tại thời điểm điều chỉnh được xác định theo giá do liên sở Tài chính - Xây dựng thông báo. Song trên thực tế, giá do liên sở này thông báo thường chậm và không theo kịp diễn biến giá cả thị trường. Trường hợp giá vật liệu xây dựng không có trong thông báo của liên sở thì căn cứ vào chứng từ, hóa đơn hợp lệ để xác định giá nhưng thực tế giá bán cùng thời điểm giữa các doanh nghiệp cũng có sự khác biệt; đó là chưa kể trường hợp có sự thiếu trung thực của nhà thầu khi làm chứng từ, hóa đơn thanh toán thì BQL cũng khó xác minh.
Trong khi đó, nhà thầu cho rằng, thời điểm để tính chênh lệch giá vật liệu xây dựng là thời điểm nghiệm thu khối lượng đã thực hiện nhưng đến khi được thanh toán thì mua lại vật liệu không đủ vì giá đã tăng cao. Mặt khác, năng lực tài chính của các nhà thầu hạn hẹp, lãi suất tăng cùng với chủ trương thắt chặt cho vay làm nhà thầu khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do vậy họ rất mong được ứng vốn và thanh toán kịp thời. Một số nhà thầu cho biết, việc làm ăn năm nay thật khó khăn, doanh nghiệp chỉ sử dụng phần vốn tích lũy từ các năm trước để mua vật tư, xăng dầu chứ không dám vay vì lãi suất không chịu nổi. Vì vậy mà một số nhà thầu có tâm lý chờ vật liệu xây dựng giảm giá dẫn đến thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công các công trình.
Trong những tháng còn lại, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình, dự án, nhất là những dự án trọng điểm, là đòi hỏi bức xúc vì nó liên quan chặt chẽ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm sau. Chính vì vậy, cùng với thực hiện quyết liệt chủ trương đình hoãn, giãn tiến độ thi công các dự án, công trình chưa cần thiết, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2008. Một trong những giải pháp có hiệu quả là thực hiện tốt chủ trương bù giá vật liệu xây dựng của Chính phủ, tạo điều kiện cho nhà thầu yên tâm đẩy nhanh tiến độ thi công. Để làm được điều đó, chủ đầu tư cần tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan khẩn trương tính toán phần chênh lệch giá vật liệu của khối lượng xây dựng đã hoàn thành, nhanh chóng hoàn tất thủ tục để thanh toán kịp thời cho nhà thầu. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giảm bớt khó khăn về vốn cho các đơn vị thi công. Liên sở Tài chính- Xây dựng chủ động tổ chức khảo sát, nắm chắc biến động giá vật tư, vật liệu tại thị trường, thông báo kịp thời hằng tháng để làm cơ sở cho việc thanh toán cũng như kiểm tra, kiểm soát sau này.
MAI ANH