Tình trạng phá vỡ quy hoạch diện tích mía, sắn đang diễn ra ở niên vụ 2008 - 2009. Làm sao giữ vững vùng nguyên liệu mía để nông dân không “bỏ mía theo sắn” là bài toán khó giải.
Nông dân Tuy An thu hoạch mía - Ảnh: MINH NGUYỆT |
NĂNG SUẤT MÍA GIẢM
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, niên vụ 2007-2008, diện tích mía toàn tỉnh là 20.329ha, tăng 607ha nhưng năng suất mía chỉ đạt 51,72 tấn/ha, giảm 1,22 tấn/ha so với vụ trước. Năng suất mía giảm là do thời tiết vụ qua không thuận lợi, chi phí phân bón tăng cao nên nông dân thiếu đầu tư chăm sóc kỹ. Ở niên vụ này, người trồng mía thu lợi nhuận không cao, khoảng 5- 6 triệu đồng/ha. Trong khi đó, diện tích sắn là 13.100ha, tăng đến 2.679ha so với vụ trước, năng suất chỉ 14,1 tấn/ha, giảm 0,79 tấn/ha. Tuy nhiên do chi phí đầu tư thấp nên nông dân lãi khoảng 7- 8 triệu đồng/ha.
Niên vụ qua, tổng sản lượng mía là 1.051.381 tấn, nhưng tổng sản lượng chế biến của hai nhà máy đường chỉ chiếm 72,16% sản lượng mía toàn tỉnh (tương đương 758.779 tấn mía), bằng 85,36% so với vụ trước. Hai nhà máy chế biến được 67.056 tấn đường, chỉ bằng 82,4% vụ trước. Theo báo cáo của hai công ty mía đường, chữ đường bình quân trong vụ mía vừa qua thấp hơn vụ trước.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, niên vụ 2008 - 2009, diện tích mía toàn tỉnh là 18.516ha, giảm 1.813ha so với vụ trước. Dự kiến tổng sản lượng mía sẽ là 1.018.296 tấn, năng suất bình quân 55 tấn/ha. Qua dự báo về giá mía, giá đường cũng như những thuận lợi, khó khăn, Ban điều hành đã định hướng: Phấn đấu trong niên vụ 2008 - 2009, các công ty mía đường trong tỉnh sẽ ép 675.000 tấn mía, chế biến 67.500 tấn đường. Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa sẽ ép 150.000 tấn mía và chế biến 15.000 tấn đường RS. Công ty TNHH Công nghiệp KCP- Việt
PHẢI ĐẢM BẢO NGƯỜI TRỒNG MÍA CÓ LÃI
Tại hội nghị tổng kết công tác chế biến mía đường, sắn vụ 2007- 2008 mới đây, Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên đã tập trung thảo luận, phân tích vấn đề làm sao giữ vững vùng nguyên liệu mía trong tình hình hiện nay khi giá cả vật tư tăng cao, chi phí đầu tư cho cây mía cao nhưng lợi nhuận thu được thấp hơn các loại cây trồng khác, đặc biệt là tình trạng người dân bỏ mía trồng sắn dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu mía.
Ông Võ Minh Thức, Giám đốc Sở NN-PTNT nói: Trước mắt, cây sắn mang lại lợi nhuận cao nhưng về lâu dài không nên tăng diện tích vì đây là cây trồng phá đất. Cây mía trong tình hình hiện nay có sức cạnh tranh yếu nên để gắn kết nông dân với nhà máy thì sự liên kết “bốn nhà” cần chặt chẽ hơn nữa. Các nhà máy đường cần cho nông dân tham gia cổ phần vào nhà máy để nông dân xem nhà máy là ngôi nhà của mình. Đồng thời các nhà máy cần phát triển thêm các sản phẩm sau đường để có thêm lợi nhuận và tăng thêm mức đầu tư cho nông dân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành chương trình mía đường, sắn Trần Thị Hà, để giữ vững vùng nguyên liệu mía, các công ty mía đường cần phải mua nguyên liệu với giá đảm bảo cho nông dân có lãi 30- 40% nhằm khuyến khích người dân giữ vùng nguyên liệu và có vốn tái đầu tư. Các công ty cần tập trung mua nguyên liệu mía ở những vùng giáp ranh trước để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các nhà máy ngoài tỉnh. Công ty TNHH công nghiệp KCP- Việt
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình thủy lợi tưới cho cây mía. Các địa phương nằm trong vùng trọng điểm nguyên liệu không được mở rộng thêm diện tích mía và sắn. Bên cạnh đó, các địa phương cần dành một diện tích đất để các công ty trồng thí điểm các giống mía mới có chất lượng, từ đó nhân rộng cho vùng nguyên liệu của từng nhà máy. Để vùng nguyên liệu mía có chất lượng, cần chọn lựa các loại giống có năng suất và chữ đường cao, phù hợp với từng vùng, tổ chức tập huấn trình, diễn quy trình kỹ thuật trồng cho nông dân. Sớm nhân rộng đề tài ứng dụng các tiến bộ cơ giới vào canh tác mía, nhất là trong khâu thu hoạch để giảm sức lao động cho người dân. Các nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương bỏ vốn đầu tư hệ thống giao thông nông thôn để việc vận chuyển nguyên liệu được tốt hơn. Các huyện miền núi gồm Sơn Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh cần xác định lại vùng nguyên liệu tập trung để tỉnh ưu tiên đầu tư vốn, đầu tư giao thông nông thôn.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Đường quốc tế (ISO), niên vụ 2008 - 2009, sản lượng đường thế giới sẽ giảm và thiếu hụt khoảng 1-2 triệu tấn. Dự kiến giá đường trong nước sẽ tiếp tục ổn định như vụ vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cho biết: Vụ 2008 - 2009, diện tích mía nguyên liệu giảm. Riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên giảm 6.680ha, trong đó vùng nguyên liệu của nhà máy đường Bình Định giảm nhiều nhất, đến 1.200ha. Mặt khác, một số nhà máy đường lân cận cũng đang nâng công suất nên khả năng tranh chấp nguyên liệu trong vụ tới sẽ diễn ra gay gắt.
BÍCH HÀ