Hôm qua (12/9), Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên tổ chức tổng kết hoạt động chế biến mía đường, sắn niên vụ 2007- 2008, định hướng điều hành niên vụ 2008- 2009.
Theo báo cáo của Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, trong niên vụ 2007- 2008, toàn tỉnh có 20.329 ha mía, tăng 607 ha so với niên vụ trước. Sản lượng mía đạt 1.051.381 tấn, tăng 7.251 tấn. Tổng sản lượng chế biến công nghiệp của hai nhà máy đường trên địa bàn Phú Yên là 758.779 tấn mía và chế biến được 67.056 tấn đường. Các nhà máy đường hoạt động đạt 80% công suất thiết kế. Trong niên vụ này, diện tích sắn ở Phú Yên là 13.100 ha, tăng 2.679 ha so với vụ trước. Sản lượng sắn nguyên liệu đạt 184.714 tấn, tăng 33.510 tấn. Hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đã mua 152.602 tấn sắn nguyên liệu và chế biến được 44.255 tấn tinh bột sắn.
Tại hội nghị, các thành viên trong Ban điều hành đã thảo luận, dự báo những thuận lợi, khó khăn trong tình hình sản xuất, tiêu thụ mía đường, sắn trong năm 2009. Qua đó, Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên đã đề ra định hướng cho vụ 2008- 2009 với các chỉ tiêu như các công ty mía đường ở Phú Yên sẽ ép 675.000 tấn mía, chế biến 67.500 tấn đường. Trong đó, Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa sẽ ép 150.000 tấn mía, chế biến 15.000 tấn đường RS. Công ty TNHH công nghiệp KCP- Việt
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà, chỉ đạo: Trong tình hình giá cả vật tư tăng cao, chi phí đầu tư cho cây mía cao, lợi nhuận thấp, dẫn đến việc nông dân bỏ mía trồng sắn nên khó giữ được diện tích mía ổn định, các công ty mía đường cần mua giá nguyên liệu mía đảm bảo cho nông dân có lãi 30- 40% để khuyến khích người dân giữ vùng nguyên liệu và có vốn để đầu tư. Các công ty cần tập trung mua nguyên liệu mía ở những vùng giáp ranh trước để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các nhà máy ngoài tỉnh. Đồng thời, các công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân tốt hơn nữa. Các nhà máy sắn phải chú trọng đến việc xử lý mùi, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các địa phương nằm trong vùng trọng điểm nguyên liệu không được mở rộng thêm diện tích mía và sắn. Để vùng nguyên liệu mía có chất lượng, cần chọn lựa các loại giống có chất lượng cao; sớm nhân rộng đề tài ứng dụng các tiến bộ cơ giới vào canh tác mía, nhất là trong khâu thu hoạch mía để giảm sức lao động cho người dân. Các nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư hệ thống giao thông nông thôn nhằm phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu được tốt hơn.
BÍCH HÀ