Thứ Năm, 03/10/2024 13:23 CH
Ba huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên
Thứ Sáu, 12/09/2008 11:00 SA

Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân là ba huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Ngoài một số xã ven vùng trung hạ lưu sông Cái (huyện Đồng Xuân) từ lâu đã hình thành mật độ dân cư đông đúc, phần còn lại của ba huyện thuộc diện đất rộng, người thưa. Nhân dân ba huyện có truyền thống cách mạng kiên cường, đã chịu nhiều hy sinh và có đóng góp rất lớn sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

 

dongxuan-080912.jpg

Một góc thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân)– Ảnh: KIM SA

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, người dân ba huyện miền núi đã chung sức, chung lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn ba huyện có nhiều thay đổi theo chiều hướng ngày càng tiến bộ. Các thị trấn Hai Riêng, Củng Sơn, La Hai được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện thắp sáng, cấp nước sinh hoạt, bưu điện, trường học, bệnh viện, chợ… Mỗi thị trấn đều có những điểm kinh doanh, mua bán, dịch vụ tương đối nhộn nhịp, sầm uất. Nhiều thôn, buôn có phong trào tăng gia sản xuất khá, thâm canh cây mía, cây sắn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; nghề chăn nuôi bò đàn, sản xuất lúa nước được mở rộng, việc lưu thông trao đổi hàng hóa với đồng bằng để giải quyết nhu cầu về ăn, mặc, học hành tại chỗ tăng lên. Đã có nhiều gia đình mua sắm được máy cày, xe vận tải, nông cụ sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác, thu nhập tăng, đời sống khá giả, một số ít hộ gia đình trở thành giàu có. Các công trình thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Ea Krông Hnăng, La Hiêng đã và đang xây dựng tạo thế cho sự phát triển tại địa phương, mở ra giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng miền trong cả nước.

 

Thành tựu đạt được rất đáng kể, nhưng nhìn chung tại ba huyện miền núi của tỉnh, kinh tế đang trong tình trạng tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, mùa vụ hoàn toàn lệ thuộc thiên nhiên, trồng trọt chăn nuôi đang ở trình độ rất thấp, đại bộ phận nhân dân tại các thôn, buôn chưa vượt qua chu kỳ đói giáp hạt.

 

Vấn đề lớn nhất và đáng lo ngại nhất tại cả ba huyện là rừng bị tàn phá nặng nề, diện tích che phủ nói chung và che phủ đầu nguồn bị suy giảm trầm trọng, diện tích rừng trồng mới và rừng tái sinh theo không kịp đà thu hẹp của rừng tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng, gây ra nhiều khó khăn bất ổn đối với sản xuất và đời sống tại chỗ, đồng thời tiềm tàng nguy cơ gây xói lở, lũ quét đối với một số vùng xung yếu và cả trung du, đồng bằng.

 

Nhìn tổng quát, ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân còn nhiều khó khăn, khoảng cách về kinh tế, văn hóa, xã hội so với đồng bằng còn lớn, lợi thế chưa được phát huy, nguồn tài nguyên đất và nước khá dồi dào chưa được quan tâm khai thác để biến nó thành của cải vật chất; nghề trồng trọt, chăn nuôi đang ở dạng tự phát, chưa được quy hoạch, thiếu đầu tư theo chiều sâu và thiếu tính đa dạng trong tổ chức sản xuất; lao động dân cư – một nhân tố quan trọng của sự phát triển chưa được quan tâm thường xuyên, khiến vai trò cửa ngõ của một vùng Tây Nguyên rộng lớn chưa được xác định cụ thể trong chiến lược phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài.

 

Tình hình thực tế cho thấy nhiệm vụ xây dựng ba huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân thật sự không chỉ là công việc của bản thân các huyện miền núi mà nó liên quan mật thiết với nhiệm vụ chung cả tỉnh, là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên.

 

Khai thác, phát huy tiềm lực, thế mạnh về địa lý, kinh tế của ba huyện miền núi Phú Yên là một vấn đề lớn cần nhiều công sức, trí tuệ của cả tỉnh, cụ thể là của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trong bài viết này, chỉ xin đề cập một số nội dung có liên quan công việc trước mắt của các huyện và mối quan hệ giữa ba huyện miền núi với chiến lược phát triển ngắn, trung hạn, đặc biệt vai trò cửa ngõ, cầu nối giữa vùng biển Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên.

 

SBH-080912.jpg

Thi công công trình thủy điện Sông Ba Hạ trên địa bàn huyện Sơn Hòa – Ảnh: D.T.X

 

Về phát triển sản xuất, cần rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đai, nguồn nước, xác định quỹ đất trồng, tu bổ rừng, có kế hoạch đầu tư đồng bộ nghề trồng rừng từ nay đến 2020, khôi phục một số dải rừng đại ngàn bao gồm diện tích rừng trồng mới và rừng tái sinh, đặc biệt chú trọng ưu tiên rừng đầu nguồn nhằm bảo vệ tốt các công trình thủy điện, thủy lợi. Tổ chức một bộ phận nhân dân tại chỗ chuyên trồng, bảo vệ rừng, tạo thu nhập từ nghề rừng cao hơn các ngành nghề khác. Dành quỹ đất thích đáng để trồng, thâm canh hai loại cây trồng chính là cây mía, cây sắn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường và nhà máy tinh bột sắn trong vùng phụ cận, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mía, trồng sắn; từng bước khai hoang xây dựng đồng ruộng gắn với xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ để mở rộng một cách vững chắn diện tích trồng lúa nước hai vụ, hạn chế đến mức cao nhất tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

 

Sớm có kết luận việc trồng thử cây cao su để định hình diện tích cây cà phê, hồ tiêu và cây cao su theo hướng đầu tư thâm canh cao, đảm bảo nước tưới; chuyển hướng cho kỳ được việc chăn nuôi đàn bò thả rông sang chăn thả hạn chế trên đồng cỏ được quy hoạch với làm chuồng trại nuôi nhốt. Kiên quyết dành một diện tích đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đi đôi với chương trình cải tạo đàn bò hiện có, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản chấm dứt tình trạng đàn bò sinh sản đồng huyết, năng suất quá thấp.

 

Về vị trí cửa ngõ – cầu nối với Tây Nguyên. Cần nói ngay rằng về địa chính trị, Phú Yên giống như các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhưng địa kinh tế Phú Yên bị hạn chế rất lớn do ở xa các trung tâm kinh tế – đô thị – du lịch từ hai đầu Nam, Bắc. May mắn thay, tỉnh ta dựa lưng vào các tỉnh Tây Nguyên và chính các tỉnh Tây Nguyên (chưa kể tỉnh Lâm Đồng) với khoảng ba triệu dân cũng dựa vào Phú Yên qua các trục đường giao thông huyết mạch là quốc lộ 25, liên tỉnh lộ ĐT 645 và đường 21 (Bis) nối dài, rút ngắn cả trăm cây số “chỉ một bước đến biển”, vô cùng thuận lợi cho giao lưu kinh tế và du lịch.

 

Lịch sử đã để lại và Nhà nước đã đầu tư hình thành, nâng cấp những con đường nói trên. Đến lượt chúng ta, cụ thể là huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa phải biến thành cửa ngõ – cầu nối – hành lang giao thông kinh tế, du lịch với bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và với hai trung tâm kinh tế đô thị lớn là thành phố Pleiku và Buôn Ma Thuột.

 

Tây Nguyên có ba triệu dân, chắc chắn một tỉ lệ nhỏ, thậm chí rất nhỏ có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tại vùng biển. Chỉ cần chừng ấy thôi đã giúp chúng ta nhìn thấy lối thoát dù còn khó khăn nhưng rất căn bản, một hướng mở đối với nguồn du lịch khách tiềm năng và thực tế nhất cho kinh tế du lịch biển Phú Yên phát triển.

 

Nhớ lại, khi còn tỉnh Phú Khánh (cũ) một cán bộ lãnh đạo đã tổng kết, so sánh: Một khách du lịch đồng bằng sông Cửu Long (không phải là công tử Bạc Liêu) đến Nha Trang tiêu xài bằng hai hoặc ba du khách “Tây ba lô”, để khuyến cáo ngành du lịch không nên xem thường khách nội địa. Ngày nay chúng ta có thể liên hệ, hình dung một du khách đến biển Phú Yên từ Tây Nguyên, nhất là khi cà phê, hồ tiêu, cao su được mùa thì hoàn toàn không thua kém gì người đi du lịch từ đồng bằng sông Cửu Long nọ.

 

Chúng ta luôn mong muốn có nhiều khách du lịch quốc tế, nhưng cần hiểu mình có những thuận lợi, khó khăn và đang dứng ở chỗ nào để đề ra một chương trình thực tế, đồng bộ phong phú nhằm thu hút du lịch nội địa, trước tiên là ba triệu dân các tỉnh Tây Nguyên láng giềng. Thiết nghĩ, đây là sự lựa chọn khôn ngoan và thiết thực có thể chấp nhận.

 

Địa lợi là như vậy, nhưng nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực chủ quan, cách làm năng động, sáng tạo bằng cơ chế, chính sách, biện pháp tổ chức phù hợp.

 

Các tỉnh Tây Nguyên cũng rất cần dựa vào Phú Yên để phát triển, nhất là khi các dự án quốc tế tại Phú Yên trở thành hiện thực, điều kiện giao lưu kinh tế mở rộng, các tuyến đường giao thông được tu bổ, nâng cấp theo chủ trương chú trọng ưu tiên của Chính phủ, hành lang kinh tế, dân cư hình thành, việc đi lại giữa núi rừng Tây Nguyên với biển Đông chỉ còn là “gang tấc”, mở ra tương lai tươi đẹp cho toàn vùng.

 

Việc chăm lo xây dựng thị trấn Hai Riêng, thị trấn Củng Sơn cùng các thôn, buôn và cụm dân cư, cơ sở sản xuất hình thành ven các trục giao thông là rất cần thiết, rất cấp bách.

 

Huyện Đồng Xuân không có được vị thế như Sông Hinh, Sơn Hòa, nhưng có mặt thuận lợi khác, đó là năm mươi cây số đường sắt và đường bộ thuộc trục giao thông phía tây đi qua huyện; một thị trấn La Hai vốn là cửa khẩu sầm uất của cuộc kháng chiến trước đây cùng với một vùng sản xuất nông sản hàng hóa truyền thống. Giờ đây có thêm nhà máy đường, nhà máy tinh bột sắn ven thị trấn; có công trình thủy điện La Hiêng đang được xây dựng với hai bờ sông cái đậm đặc phù sa, núi non kỳ vĩ, chắc chắn chúng ta tìm ra cách làm ăn phù hợp để nâng cao dần mức sống của nhân dân, bổ trợ đắc lực cho sự phát triển chung của tỉnh.

Yêu cầu tiếp tục đầu tư và chỉ đạo sự phát triển của ba huyện miền núi, tạo thế và lực cho ba huyện miền núi phát triển nhanh, vững chắc, để thật sự trở thành cửa ngõ – cầu nối với Tây Nguyên, đồng thời cùng với các tỉnh Tây Nguyên tạo ra hành lang kinh tế – du lịch để liên kết, hỗ trợ nhau phát triển là việc làm hiện thực trong tầm tay.

 

Để làm được hai nhóm công việc đã nêu tại ba huyện miền núi, cần những biện pháp, chính sách đồng bộ và một sự bứt phá về tổ chức thực hiện từ bổ sung quy hoạch, xác định các nguồn vốn để lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ công tác giáo dục, đào tạo, mở mang dân trí, phát triển sự nghiệp y tế, đẩy lùi bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng ra sức giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại thôn, buôn.

 

Chủ trương, biện pháp, chính sách, chế độ bao trùm có tính quyết định là tiếp tục thực hiện cuộc vận động điều chuyển, phân bổ lao động, dân cư vào các địa bàn đất rộng, còn nhiều tiềm năng khai thác, mở mang sản xuất để hình thành thêm một số cụm dân cư trên các trục đường chính nối Tây Nguyên với Phú Yên, tạo thành hành lang kinh tế – dân cư lấy trồng trọt chăn nuôi và nhận chăm sóc, bảo vệ rừng làm nghề chính kèm theo các nghề dịch vụ khác, làm cho trục giao thông vận tải hành khách, hàng hóa không còn cảnh hoang vắng.

 

Việc làm trên đây là cực kỳ khó khăn nhưng không phải không làm được. Vấn đề ở chỗ nhận thức sự cần thiết, có đầy đủ quyết tâm, có chính sách đầu tư mạnh dạn, đồng bộ và kiên trì nhằm thu hút, tiếp nhận một bộ phận lao động, dân cư hoàn toàn tự nguyện đến lập nghiệp lâu dài tại vùng đất mới với những điều kiện sống ổn định và hơn hẳn cảnh sống nơi họ ra đi, bao gồm cả trong và ngoài tỉnh.

 

Có một điều cần thống nhất tư tưởng và tư duy để khẳng định một chủ trương lớn là chỉ khi nào giáo dục dân trí tại chỗ được mở mang cùng với một cơ cấu lao động, dân cư được bổ sung hợp lý thì lực lượng sản xuất tại ba huyện miền núi  mới thực sự phát triển, trình độ văn hóa, xã hội mới được nâng cao, tạo ra sự thay đổi, tiến bộ có tính bước ngoặt, đồng bào các dân tộc anh em có đời sống kinh tế văn hóa đầy đủ, phong phú, góp phần có ý nghĩa vào quá trình đi lên chung của tỉnh nhà.

 

Quan tâm chỉ đạo, mạnh dạn đầu tư, kịp thời giải quyết những đòi hỏi cấp bách về sản xuất, đời sống của nhân dân ba huyện miền núi tạo điều kiện vật chất thuận lợi để ba huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân thật sự đóng góp có ý nghĩa vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả tỉnh, trong đó, ba huyện phát huy được vai trò, vị trí cửa khẩu – cầu nối với ba triệu dân các tỉnh Tây Nguyên, hình thành một hành lang kinh tế, dân cư, du lịch biển, du lịch sinh thái sôi động, đầy sức sống của tỉnh nhà.

     

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek