Thứ Năm, 03/10/2024 16:14 CH
Thực hiện chính sách lãi suất “thực dương”:
Cần hài hòa giữa các nhóm lợi ích
Thứ Sáu, 12/09/2008 07:00 SA

Vấn đề lãi suất vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi, dù thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng phải chấp nhận lãi suất “thực dương” trong thời buổi lạm phát, song cũng không ít ý kiến khác cho rằng cần phải chia sẻ và đồng thuận hạ lãi suất vì những lợi ích lớn hơn của nền kinh tế và cộng đồng xã hội.

 

lai-suat-080912.jpg

Dù mức lãi suất bao nhiêu, vấn đề đặt ra là đảm bảo lợi ích của các bên. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Phú Yên   – Ảnh: N.Q

 

Việc Ngân hàng Nhà nước điều hành thị trường tiền tệ theo cơ chế lãi suất cơ bản, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm đã mang lại hiệu quả tích cực. Hàng loạt ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

 

Hiện nay lãi suất cơ bản vẫn duy trì ở mức 14%/năm. Theo đó các ngân hàng thương mại được phép ấn định mức lãi suất cho vay tối đa 21%/năm (tương đương 1,75%/tháng), lãi suất huy động bình quân ở các kỳ hạn không vượt quá 17,5%/năm. Với “khung” lãi suất này, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng mà áp dụng mức lãi suất cao hay thấp. Nếu ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất huy động vào thấp hơn mức quy định, người gửi tiền tiết kiệm sẽ hưởng lợi ít đi một chút, nhưng bù lại lãi suất cho vay sẽ giảm, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, mục đích của việc tăng mức lãi suất dự trữ  lên 3,6%/năm hồi đầu tháng 9 là nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp, người vay vốn.

 

Hiện đã có 5/6 ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên hạ lãi suất cho vay VND xuống còn 18,8% - 20,5%/năm, tức thấp hơn mức “trần” theo quy định từ 0,5% - 2,2%/năm. Một số ngân hàng đã thực hiện 2 – 3 lần cắt giảm lãi suất trong hơn hai tháng trở lại đây như các ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank), Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank)… Tại hội thảo đẩy mạnh tài trợ vốn xuất nhập khẩu khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa tổ chức ở TP Tuy Hòa, Phó tổng giám đốc BIDV Hoàng Huy Hà cho biết: “Chính sách lãi suất “thực dương” là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để ngân hàng ấn định lãi suất kinh doanh. Đối với khách hàng truyền thống, có quan hệ tín dụng tốt, có dự án khả thi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, chúng tôi có thể áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn mức “trần” 1 – 2%. Vấn đề là đảm bảo hài hòa giữa các nhóm lợi ích”.

 

gd-ngan-hang-080912.jpg
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Phú Yên -  Ảnh: NGỌC QUANG

 

Thực tế, dù lãi suất trên thị trường tiền tệ đang trên đà giảm nhưng lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn đang ở trong xu thế “thực dương”; tức lãi suất ngân hàng phải bằng hoặc cao hơn chỉ số lạm phát ở mọi thời điểm. Điều này có thể lý giải tại sao các ngân hàng chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất và áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng khách hàng. Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần tại Phú Yên cho biết đơn vị ông cũng muốn mạnh tay giảm lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, do cạnh tranh để giữ vốn và thu hút khách hàng gửi tiền nên vẫn duy trì mức lãi suất cao. Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.

 

Theo phân tích của những người làm ngân hàng, ba vấn đề cần mổ xẻ là lạm phát, lãi suất và tính thanh khoản của thị trường tiền tệ. Khả năng giảm lãi suất tín dụng chỉ xảy ra khi lạm phát giảm tới mức bảo đảm lãi suất “thực dương”. Hiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của cả nước đã được “kìm cương” ở mức 1,56% so với tháng 7 và dự báo CPI tháng 9 tiếp tục ở mức thấp. Tình trạng chạy đua lãi suất để giải quyết cơn “khát” vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên không còn diễn ra do nguồn vốn huy động tăng cao ở các kỳ gửi dài hạn. Chênh lệch tỉ giá giữa VND/USD tại thời điểm so với cách đây một năm là 12%, giảm nhiều so với “đỉnh” 35% hồi tháng 6. Đây là những tín hiệu tốt của thị trường để các ngân hàng xem xét giảm lãi suất. Tuy nhiên, tính thanh khoản của thị trường vẫn chưa thực sự ổn định, điều này thể hiện qua lãi suất vay vốn bằng đồng Việt Nam giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức hơn 19%/năm. Vì vậy, cùng với giảm lạm phát, tính thanh khoản thị trường tiền tệ phải thực sự ổn định thì mới tác động đến việc giảm lãi suất trong thời gian tới. 

 

Nghịch lý?

 

Trên 90% doanh nghiệp ở Phú Yên là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khối doanh nghiệp này có tỉ suất lợi nhuận bình quân khoảng 16%/năm, nếu phải vay vốn với lãi suất cao thì không chỉ làm ăn không có lãi, mà còn phải đối diện với nguy cơ phá sản. Nếu hàng loạt doanh nghiệp phá sản thì mục tiêu an sinh xã hội không đạt được, thất nghiệp gia tăng, ngân sách thất thu, nợ tồn đọng tại ngân hàng tăng lên. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phải ưu tiên cho các biện pháp duy trì sản xuất. Nếu chỉ chú ý thái quá đến lợi ích cho người gửi tiền thì khó có thể bảo đảm được các lợi ích lớn hơn.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek