Trước tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến phức tạp, các biện pháp đấu tranh để đẩy lùi, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn.
Nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, những năm qua, công tác đấu tranh, phòng ngừa và kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được thực hiện có hiệu quả. Tình trạng vi phạm tại hầu hết địa bàn đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức dần được cải thiện. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Hiện ở nhiều địa bàn, tình trạng bày bán công khai và tái phạm vẫn còn.
Trên cơ sở chỉ đạo, kế hoạch của tổng cục, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã nghiêm túc quán triệt đến toàn thể công chức tại đơn vị, đề ra mục tiêu cụ thể trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh, cục đã tham mưu ban chỉ đạo ban hành kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phân rõ trách nhiệm quản lý, giám sát, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm của từng cơ quan; thực hiện công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong gần 2 năm triển khai nhiệm vụ này, Cục Quản lý thị trường Phú Yên thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, nhất là phối hợp lực lượng công an kiểm soát, quản lý tại các địa bàn, trên tuyến quốc lộ 1, 25, 29... Các đội quản lý thị trường địa phương cũng chủ động nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiện toàn tỉnh có 2.062 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với xử lý kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã kiểm tra 51 vụ, trong đó có 50 vụ vi phạm, xử phạt hơn 251 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá gần 3,7 tỉ đồng và chuyển công an điều tra, xử lý một số vụ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như vụ phát hiện vận chuyển 8.200 lít rượu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, sau đó tịch thu toàn bộ tang vật theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; vụ phát hiện 3.360 chai nước tẩy toilet hiệu OKAY do Thái Lan sản xuất tập kết tại một hộ kinh doanh ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa. Tại TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa và huyện Sông Hinh, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện 6 cửa hàng bán thuốc lá giả nhãn hiệu 555, Craven A; tịch thu 377 bao thuốc lá hiệu 555 và Caraven A; chuyển giao cho Công an huyện Sông Hinh xử lý 1 vụ có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa đối với 2 nhãn hiệu thuốc lá nói trên…
Quyết liệt hơn trong thực hiện
Đến nay, với các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành, địa phương, dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng tình hình thị trường vẫn có nhiều biến động. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cơ sở có hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết, phân phối hàng hóa với mục đích không để các đối tượng lợi dụng, buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng quyền lợi người dân.
Theo kế hoạch của tổng cục thì đến hết năm 2025, lực lượng quản lý thị trường nỗ lực thực hiện nhiệm vụ để 100% cơ sở kinh doanh trên cả nước có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tái phạm. 100% cơ sở kinh doanh, làng nghề… tại các tỉnh, thành phố không bày bán công khai hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Cụ thể hóa mục tiêu này, Cục Quản lý thị trường Phú Yên cũng gắn trách nhiệm quản lý theo địa bàn của công chức, đơn vị quản lý thị trường địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổng hợp, đánh giá các yếu tố đặc thù của các địa bàn; xây dựng và triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chính quyền các cấp, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử… Đơn vị kiên quyết đấu tranh, phòng chống và không để hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có cơ hội bày bán, vi phạm tái diễn; góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư, thương mại của tỉnh.
Đoàn công tác của Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) mới đây đã có buổi làm việc với lực lượng quản lý thị trường Phú Yên về công tác triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021-2025. Bên cạnh tham gia giám sát thị trường tại một số siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, đoàn công tác cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường Phú Yên bổ sung giải pháp để phát huy nhiệm vụ, hiệu quả quản lý thị trường. |
HUỲNH TRANG
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên