Thứ Ba, 02/07/2024 23:34 CH
Lo ngại hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu
Chủ Nhật, 02/10/2022 07:00 SA

Người dân chọn thực phẩm tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

Ðánh tráo, gian lận nhãn hiệu hàng hóa, thực phẩm là một trong những hành vi gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho người tiêu dùng.

 

Người dân lo lắng

 

Hàng hóa, thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống có chất lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, bởi liên quan đến sức khỏe, tiêu dùng hàng ngày. Những ngày gần đây, người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng trước thông tin một số nhà cung cấp gom rau từ chợ đầu mối, rồi gắn nhãn VietGAP, nhãn đơn vị mình đưa vào siêu thị.

 

Sự việc cụ thể xảy ra khi một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát đi thông báo rút hàng của hai nhà cung cấp là Công ty TNHH Nông sản sạch HugoFarm và Công ty CP Đầu tư và sản xuất nông sản Trình Nhi ra khỏi kệ hàng; đồng thời phối hợp với các cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, nhằm làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu hàng hóa, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

 

Tuy Phú Yên chưa phát hiện trường hợp đánh tráo, gian lận nhãn hiệu hàng hóa tương tự nhưng sự việc trên cũng khiến cho người tiêu dùng trong tỉnh lo lắng về hàng hóa, thực phẩm bán tại siêu thị. Nhiều người cho rằng, có thể vẫn có nhà cung cấp tự dán nhãn sản phẩm, đánh tráo nhãn hiệu để đưa vào các cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Chị Nguyễn Thị Mến ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) bày tỏ: Chúng tôi nhận thấy mua hàng ở các siêu thị thì mức giá luôn nhỉnh hơn so với mua ở các chợ truyền thống. Nhưng vì tin hàng hóa, thực phẩm bán tại siêu thị đã qua lựa chọn, kiểm định chất lượng nên chấp nhận mua. Nếu ở địa phương mình xảy ra tình trạng gian lận nhãn hiệu tương tự thì người tiêu dùng sẽ mất niềm tin đối với hệ thống siêu thị.

 

Siêu thị được xem là hệ thống phân phối hiện đại, có hợp đồng với các nhà cung cấp, có quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hóa..., là kênh bán lẻ uy tín được người tiêu dùng đánh giá cao và an tâm lựa chọn. Với kênh phân phối này, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood, WinMart+, V’Mart, G’Mart đã và đang phục vụ nhu cầu người tiêu dùng địa phương. Theo các ngành chức năng, trong suốt những năm qua, các siêu thị trên địa bàn tuân thủ thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị cũng thường xuyên, định kỳ kiểm tra về an toàn thực phẩm, nguồn hàng, nhãn hiệu… đối với thực phẩm, hàng hóa bán ở các siêu thị này, song chưa phát hiện vi phạm về đánh tráo, gian lận nhãn hiệu như ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua.

 

Trách nhiệm với người tiêu dùng

 

15 năm có mặt tại Phú Yên, Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa là nhà bán lẻ có quy mô lớn, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Hiện siêu thị có tất cả 15.000 mã hàng. Trong đó, 95% hàng hóa, thực phẩm đã được Hệ thống Saigon Co.op (TP Hồ Chí Minh) kiểm soát và thực hiện tất cả các thủ tục liên quan; chỉ có 5% hàng thực phẩm (đa số hàng thực phẩm tươi sống) được đơn vị lấy tại các nhà cung cấp địa phương. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, sản phẩm của các nhà cung cấp địa phương muốn đưa vào kinh doanh tại siêu thị, trước hết phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các hồ sơ, thủ tục pháp lý hợp lệ, thậm chí có xác nhận của chính quyền địa phương; sau đó sản phẩm được test nhanh, lấy mẫu kiểm nghiệm..., nếu đạt yêu cầu sẽ tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng với nhiều điều khoản nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ trước đến nay, tại Co.opmart Tuy Hòa chưa xảy ra tình trạng nhà cung cấp chuyển hàng kém chất lượng, gian lận nhãn hiệu vào siêu thị.

 

“Trong quá trình kinh doanh, bộ phận quản lý chất lượng cũng test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các sản phẩm rau củ quả với số lượng 10 mẫu/tuần. Nhân viên quản lý ngành hàng phối hợp với bộ phận quản lý kho kiểm tra kỹ hàng hóa đầu vào, nếu không đạt chất lượng sẽ từ chối nhận hàng. Nhân viên quản lý khu vực quầy hàng kiểm tra chất lượng hàng hóa thường xuyên trong ca làm việc, loại bỏ những sản phẩm không có tem nhãn, kém chất lượng khỏi quầy kinh doanh”, ông Phạm Hoàng Hưng cho biết thêm.

 

Phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người tiêu dùng trong những năm qua, Siêu thị V’mart cũng được đông đảo người dân, nhất là ở khu vực TP Tuy Hòa, Sơn Hòa biết đến. Cùng với việc hợp đồng cung ứng sản phẩm với các đơn vị uy tín, chủ siêu thị này cũng tự tổ chức trồng, chăn nuôi... để bổ sung nguồn thực phẩm chất lượng tại các điểm bán. Với thực phẩm tươi sống nhập từ các đơn vị khác, bà Phạm Thị Hằng Vy, chủ Siêu thị V’Mart cho biết: Trước khi nhập thực phẩm vào siêu chị, chúng tôi lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, đảm bảo các tiêu chí về kinh doanh, phân phối, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng tham quan mô hình, kiểm tra các quy trình sản xuất, thủ tục pháp lý liên quan; những nhà cung cấp cam kết đảm bảo chất lượng, chịu trách nhiệm với thực phẩm… thì mới hợp đồng nhập hàng về siêu thị. Siêu thị cũng có nhân viên kiểm tra, kiểm soát trước khi nhận hàng; thường xuyên thực hiện test nhanh sản phẩm, loại bỏ hàng kém chất lượng.

 

Theo chủ các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thực tế, việc thực hiện đầy đủ các thủ tục, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp, sản xuất lớn, mua tận gốc ở vùng trồng… là rất quan trọng để đảm bảo an toàn về chất lượng sản phẩm. Và ngoài các thủ tục trên, đa số siêu thị định kỳ kiểm tra, giám sát vùng trồng, chăn nuôi của đơn vị cung ứng. Tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát, test mẫu khó có thể thực hiện hàng ngày đối với từng loại thực phẩm nên vấn đề gian lận thương mại phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị, nhà cung cấp, công tác kiểm tra của cơ quan Nhà nước.

 

Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết: Hiện nay, các ngành chức năng nhận định hành vi bán hàng nhái, giả, gian lận thương mại… có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi. Các nhà cung cấp, phân phối, bán lẻ cần thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Nhà phân phối cần lựa chọn nhà cung cấp uy tín, giám sát cơ sở cung ứng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

 

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, việc hàng kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm vào được siêu thị là rất khó khăn bởi các quy định kiểm tra chất lượng, đánh giá nhà cung cấp… Tuy nhiên, nếu xảy ra hiện tượng trên thì các siêu thị cũng cần phải có biện pháp xử lý, đồng thời có giải pháp đền bù cho khách hàng khi mua phải sản phẩm kém chất lượng.

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek