Chủ Nhật, 06/10/2024 07:34 SA
Nông dân cần giúp đỡ để ứng xử với rủi ro
Thứ Năm, 24/07/2008 14:30 CH

Hiện có trên 30% người nghèo vẫn phải chịu đựng “sốc” lâu dài do các loại rủi ro, thậm chí một số người còn phải bán nhà cửa, hay cho con cái nghỉ học. Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-PTNT (IPSARD): “Đây chính là điều khủng khiếp nhất và đáng lo ngại nhất đối với hộ nông thôn ở nước ta”.

 

mia-080724.jpg

Giá cả nông sản bấp bênh khiến nông dân thường đối mặt với rủi ro. Trong ảnh: Nông dân Sơn Hòa thu hoạch mía - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Nhắc tới nông dân, từ trước tới nay, chúng ta thường nhìn vào góc độ nghèo, không công bằng, thiếu thốn, nhưng lại ít quan tâm tới khía cạnh rủi ro mà hàng ngày họ phải đối mặt. Ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-PTNT) cho biết: “Theo kết quả điều tra hộ nông thôn, các loại rủi ro chủ yếu là: Bệnh dịch, mất mùa (47,3%), người nhà ốm, chết (40,7%),  thiên tai (16,7%). Kết quả điều tra cũng cho thấy, hầu hết các hộ đều dựa vào chính mình hơn là vào các nguồn bên ngoài để xử lý rủi ro”.

 

Đáng lưu ý là, có khoảng 39,7% hộ bị ảnh hưởng bởi những rủi ro kể trên đã không hoàn toàn hồi phục trở lại. Đặc biệt, những hộ nghèo gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình phục hồi. Có trên 30% người nghèo vẫn phải sống trong trạng thái “sốc” lâu dài, thậm chí phải bán nhà cửa hay cho con cái nghỉ học. Đây là một thực tế đau đớn, bởi theo chuẩn nghèo mới, nước ta chỉ còn 18% dân số sống dưới ngưỡng nghèo, nhưng có tới 90% số hộ nghèo này hiện đang sống ở nông thôn.

 

Ngoài những rủi ro trực tiếp, hàng ngày, hộ nông thôn còn đang phải đương đầu với toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, với cơ chế thị trường mà đa phần trong số họ không có thông tin và thiếu tổ chức. Thêm vào đó, nước ta đang bước vào một thời kỳ mà biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt trong 20-30 năm tới.

 

Trước những câu chuyện này, người nông dân sẽ xử lý như thế nào? TS Đặng Kim Sơn cho biết: “Đối với người nông dân sản xuất, họ vô cùng lo lắng về câu chuyện thị trường và dịch bệnh. Riêng với những người rời khỏi nông thôn, họ lại có điều lo lắng khác là không được làm việc trong lĩnh vực chính thức, mà phải làm việc trong môi trường không chính thức như: cửu vạn, xe ôm… Tất cả những cái này tạo ra rủi ro rất lớn đối với người nông dân”.

 

Trước những rủi ro lớn này, người nông dân xử lý ra sao? Lẽ thường, khi có rủi ro, người nông dân phải tìm chỗ dựa. Thế nhưng, vị thế của người nông dân ở nông thôn và trong xã hội thấp; họ lại thiếu tổ chức, nên vai trò bảo vệ quyền lợi của nông dân hiện rất hạn chế.

 

Trên thực tế, nước ta cũng chưa có mạng lưới an sinh xã hội, không có tổ chức để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. TS Đặng Kim Sơn cho biết: “Hiện nay, người nông dân đang phải tự vệ bị động. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là một hình thức tự vệ của nông dân. Khi chúng tôi điều tra tại sao nông dân không bán đất đai, họ bảo: Bán để chết à? Tôi đi làm phu hồ nay có, mai không, khi trở về, ít nhất tôi có mảnh ruộng đủ gạo nuôi gia đình. Đối với họ, mảnh đất không còn là tư liệu sản xuất nữa mà đã trở thành phương tiện bảo hiểm - dù chỉ đóng góp 20-30% thu nhập, nhưng hễ xảy ra rủi ro gì thì người ta có chỗ để quay trở về”. Thực tế, tâm lý chung của nông dân là không muốn đầu tư lâu dài trên đồng ruộng và cho con cái học hành.

 

Còn về sản xuất, trong khi Bộ NN-PTNT đang tập trung để sản xuất chuyên canh và thâm canh, thì nông dân, vì rủi ro cao nên vẫn muốn sản xuất đủ thứ. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, có nhiều chuyện “rất kỳ lạ” đang diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long, đó là, người nông dân sẵn sàng chuyển đổi diện tích nuôi tôm, cá ba sa hay cây ăn quả - được đầu tư dài hạn 5-7 năm qua với hệ thống kênh mương hoàn chỉnh – sang trồng lúa, chỉ vì giá thành lúa cao. Theo TS Đặng Kim Sơn, cách xử sự như thế của người nông dân, về mặt kinh tế, rất kỳ quặc, nhưng về mặt logic thì rất là hợp lý vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.  

 

KHƯƠNG LỰC - (VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek