Chủ Nhật, 06/10/2024 07:32 SA
Điện cúp: Dân khổ, doanh nghiệp lỗ
Thứ Năm, 24/07/2008 14:00 CH

Hiện nay, cả nước đang phải chịu cảnh cắt điện trên diện rộng và kéo dài. Đặc biệt là từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều khu vực phải cắt điện từ 6g30 sáng cho đến 24g đêm, đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp.

 

mua-quat-dien-080724.jpg

Người dân mua đèn sạc và máy quạt sạc để chống chọi với tình trạng cúp điện thường xuyên - Ảnh: B.HÀ

 

Theo kế hoạch năm 2008, EVN sẽ tiết kiệm ít nhất là 680 triệu Kwh điện trong tổng sản lượng điện thương phẩm 68,05 tỉ Kwh (tương đương với 1%). Riêng tỉnh Phú Yên đã đăng ký định mức với EVN là sẽ tiết kiệm 5,63 triệu Kwh điện trong năm nay.

Dự báo, tình hình cúp điện sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 7 do kế hoạch phân bố sản lượng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu.

 

Điện cúp suốt ngày khiến cho việc học hành của sinh viên, học sinh cũng bị ảnh hưởng lớn. Tại các công sở, nhiều cán bộ công chức chỉ còn cách ngồi tán gẫu cho hết giờ. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các con đường do thiếu điện chiếu sáng. Trong khi đó, nhiều gia đình đã phải mua máy phát điện, mua đồ điện gia dụng có bình sạc... để chống chọi với việc cúp điện triền miên giữa mùa nắng nóng.

 

Bị thiệt hại lớn nhất do cúp điện là các doanh nghiệp sản xuất. Dựa trên lịch cúp điện hàng tuần của ngành Điện lực, các doanh nghiệp sản xuất phải sắp xếp lại kế hoạch làm việc của công nhân để bù vào giờ nghỉ do mất điện. Giám đốc Công ty cổ phần An Hưng Huỳnh Thị Khiết, đơn vị sản xuất hàng may xuất khẩu, tính toán: Nếu cúp điện có thông báo trước, mỗi ngày công ty bị thiệt hại khoảng 5% doanh thu. Tuy nhiên, với tình trạng cúp điện đột xuất như vừa qua thì thiệt hại lên đến 10-15% doanh thu.

 

Phó Giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng. Nếu chúng ta tiết kiệm được 1,5-2% thì đảm bảo đủ điện, nếu không tình hình thiếu điện còn trầm trọng hơn.  Ông Đồng Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – xuất nhập khẩu Hưng Thạnh (Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu), cho biết: Việc tiết kiệm điện với doanh nghiệp không đơn giản là tắt đi một số bóng đèn mà đây là máy móc thiết bị. Máy móc cũ tiêu tốn điện nhiều, tiết kiệm cũng chỉ được phần nào, không thể cứ yêu cầu năm sau tiết kiệm nhiều hơn năm trước được. Muốn tiết kiệm tối đa chỉ còn cách thay máy mới, mà như vậy thì tìm đâu ra vốn. Nếu bị cắt điện thì rất thiệt hại.

 

Tháng 6 và tháng 7, thời tiết nóng bức, nhu cầu điện tăng cao. Khi phụ tải tăng vọt thì việc cắt điện đột ngột là không thể tránh khỏi và cảnh tượng này sẽ còn tiếp diễn đến hết mùa nóng.

 

Tiết kiệm điện là chủ trương chung của Nhà nước và được xem là giải pháp chính trong tình hình hệ thống điện quốc gia thiếu công suất dự phòng và luôn hoạt động trong tình trạng căng thẳng. Câu hỏi đặt ra ở đây là ngành Điện khắc phục việc thiếu điện như thế nào có hiệu quả để không còn cảnh thiếu điện triền miên như hiện nay. Vì phần thiệt hại do thiếu điện đều đổ vào khách hàng, còn ngành điện không chịu bồi thường chi phí này.

 

QUỐC HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek