Chủ Nhật, 06/10/2024 07:38 SA
Hội nghị quốc tế về kinh tế và thương mại thủy sản:
Tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế thủy sản toàn cầu
Thứ Năm, 24/07/2008 14:30 CH

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai hội nghị quốc tế về quản lý, tổ chức đánh bắt, nuôi trồng và thương mại thủy sản vì tương lai bền vững, được tổ chức tại Trường Đại học Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa từ 22 đến 25/7. Hội nghị do tổ chức Kinh tế - thương mại thủy sản thế giới (IIFET) chủ trì.

 

hai-san-080724.jpg
Cá ngừ đại dương về cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: N.LƯU

 

Hội nghị đã quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để trao đổi về các vấn đề đang đặt ra đối với kinh tế và thương mại thủy sản, đặc biệt là việc khai thác thủy sản trong điều kiện nguồn lợi ngày càng cạn kiệt và cạnh tranh hàng thủy sản trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt.

 

Giáo sư Cathy Roheim, Chủ tịch IIFET cho biết: “Việt Nam được chọn để tổ chức Hội thảo quốc tế về Kinh tế và Thương mại Thủy sản IIFET 2008 vì nhiều lý do: Việt Nam đã và đang trở thành một nước sản xuất thủy sản (cả về nuôi trồng và đánh bắt) quan trọng, đồng thời có vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại thủy sản toàn cầu. Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để chúng tôi học hỏi nhiều hơn về những thành công của ngành Thủy sản Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà kinh tế thủy sản nước chủ nhà học hỏi kinh nghiệm từ chúng tôi”.

 

Phát triển nghề cá và cân bằng bền vững trong mối quan hệ tương tác với nguồn lợi tự nhiên ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Thế kỷ XXI được xem là kỷ nguyên của nghề cá. Vì lẽ đó, IIFET cam kết tăng cường hoạt động của mạng lưới các nhà học thuật, nhà hoạch định và những thành viên tham gia hoạt động trong ngành thông qua diễn đàn IIFET. Điều này được khẳng định bởi nghề cá là lĩnh vực duy nhất sẽ góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề dai dẳng phổ quát toàn cầu, đặc biệt mối quan hệ giữa an ninh lương thực và môi trường, giữa thực trạng đói nghèo ở nông thôn và an ninh quốc gia.

 

Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam đang gặp không ít khó khăn để phát triển kinh tế thủy sản, như nguồn lợi ngày càng cạn kiệt, môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm… GS Cathy Roheim cho biết:

 

Để giải quyết những vấn đề khó khăn này, cần phải có những biện pháp đa ngành (multi-disciplinary). Các nhà kinh tế thủy sản phải thực sự hợp tác với các nhà sinh học, các nhà khoa học xã hội và phải dựa vào cộng đồng để tìm ra những giải pháp thích hợp. Ngoài ra, việc áp dụng những kinh nghiệm, những kiến thức đã được các nước bạn áp dụng cũng có thể giúp ích nhiều.

 

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi đưa hàng thủy sản ra tiêu thụ ở thị trường thế giới, nhất là về phương diện chất lượng sản phẩm và giá cả chưa ổn định. GS Cathy Roheim nói rằng: Hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang diễn ra rất tốt và ấn tượng, cũng như các bạn đang phấn đấu để tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Những yêu cầu, quy định quốc tế, chẳng hạn như an toàn thực phẩm cần phải triệt để thực hiện. Tuy nhiên Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp giỏi, thông minh và nhạy bén, họ biết rõ thị trường thủy sản quốc tế và hiểu rõ những yêu cầu của các thị trường này. Điều này là không dễ, nhưng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên những thị trường này.

 

Còn Giáo sư Anthony Charles, đến từ Đại học bang St. Mary - Canada thì cho biết: “… IIFET không đi vào những vấn đề cụ thể như kỹ thuật sản xuất, chế biến như thế nào mà chủ yếu là tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, tư vấn cho chính phủ của từng quốc gia hoạch định chính sách cho phù hợp theo  hướng phát triển kinh tế thủy sản vì tương lai bền vững…”

 

IIFET là một cơ quan chuyên môn hoạt động trên quy mô toàn cầu đóng góp vào mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết chung trên tất cả các lĩnh vực thương mại, kinh tế và nuôi trồng thủy sản. IIFET được duy trì với một số chức năng và hoạt động cơ bản, trong đó, hoạt động quan trọng nhất là tổ chức hội nghị 2 năm một lần, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đại diện ngành và tổ chức quốc tế đến từ các khu vực và quốc gia thủy sản trên thế giới để cùng nhau trao đổi và xem xét những vấn đề về nghề cá và thương mại sản phẩm thủy, hải sản. Cho đến nay, hội nghị đã được tổ chức ở Mỹ, New Zealand, Canada, Đan Mạch, Chile, Pháp, Đài Loan, Moroco, Na Uy, Đại học Oregon State – Mỹ, Úc, Nhật, Anh và lần này là Việt Nam.

 

 

THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek