Thứ Năm, 28/11/2024 05:25 SA
Tôm vẫn là 'át chủ bài' của xuất khẩu thủy sản trong những năm tới
Chủ Nhật, 06/02/2022 08:56 SA

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Việc xuất khẩu thủy sản năm 2021 về đích với kết quả ước tính gần 9 tỉ USD được coi là kỳ tích trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó, xuất khẩu tôm đóng góp hơn 3,8 tỉ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, sản phẩm tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.

 

Giữ được vị thế

 

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt Nam (VASEP) thông tin trong quý 3/2021, chế biến, xuất khẩu tôm giảm liên tiếp trong 2 hơn tháng do nhiều nhà máy ở miền Tây (chiếm 80% sản lượng chế biến tôm cả nước) phải sản xuất “3 tại chỗ” hoặc tạm ngưng để phòng, chống dịch COVID-19.

 

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10, hoạt động chế biến dần phục hồi, kéo xuất khẩu tăng trở lại. Tính chung cả năm, xuất khẩu tôm đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020.

 

Theo ông Trương Đình Hòe, kết quả trên đến từ sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp và chính sách chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mang đến luồng sinh khí mới, giúp cho sản xuất, xuất khẩu thủy sản nhanh chóng hồi phục trong những tháng cuối năm 2021, tạo đà xuất khẩu cho năm 2022.

 

Điểm sáng của tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được sự tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam của Mỹ khá ổn định kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.

 

Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt 984 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng kéo dài đến quý 1/2022.

 

Ngoài Mỹ, tôm Việt Nam cũng có thứ hạng cao ở các thị trường lớn như: đứng đầu về xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc; thứ hai ở EU, thứ tư ở Trung Quốc. Trong số đó, Nhật Bản chiếm từ 16-18%, EU chiếm từ 15-20%, Trung Quốc từ 13-15% và Hàn Quốc từ 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm. Hiện nay tôm thẻ chân trắng tiêu thụ nhiều ở Mỹ, EU và Nhật Bản. Tôm sú tiêu thụ mạnh ở Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ.

 

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng thành công lớn của năm qua là chuỗi giá trị ngành tôm duy trì tốt, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng tôm không bị đứt gãy dù bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Đây là nền tảng hết sức căn bản cho việc phục hồi trong năm 2022.

 

Một điểm khác cũng có thể coi là “điểm sáng” vì tạo ra cơ hội cho khu vực chế biến là lượng lao động quay về quê trong đợt dịch vừa qua khá lớn và một phần trong đó không có ý định quay lại làm việc ở các tỉnh, thành công nghiệp. Đây là động lực để các doanh nghiệp mạnh tay mở rộng quy mô hoặc xây nhà xưởng mới. Động thái này của doanh nghiệp cũng kích thích mảng nuôi tôm tăng trưởng theo.

 

Hướng tới mục tiêu 5,6 tỉ USD

 

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe cho rằng nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.

 

Theo ông Trương Đình Hòe, nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng, trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.

 

Trong báo cáo ngành tôm giai đoạn 2016-2021 và dự báo đến năm 2025, VASEP phân tích về sản xuất, diện tích nuôi tôm cả nước hiện đạt trên 740.000ha; sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới.

 

Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước.

 

Trong lĩnh vực nuôi, tuy còn nhập khẩu tôm bố mẹ, nhưng Việt Nam đã tự chủ tôm bố mẹ thẻ chân trắng khoảng 10% và tôm bố mẹ sú chủ yếu do gia hóa trong nước.

 

Trên cơ sở đó, VASEP nhận định trong vài năm tới, ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022-2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỉ USD.

 

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực cho rằng dù là sản phẩm chế biến hay tươi, sản phẩm tôm Việt đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn so với nhiều đối thủ trực tiếp. Hơn nữa, trải qua các làn sóng dịch COVID-19, doanh nghiệp tôm sẽ linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình và hạn chế thế mạnh của đối thủ.

 

Cụ thể, doanh nghiệp tập trung bán vào Trung Quốc tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc - những mặt hàng người Trung Quốc yêu chuộng và ít đối thủ. Doanh nghiệp hạn chế khuếch trương bán tôm tươi IQF vào Mỹ mà tập trung tôm luộc, tôm chiên, tôm bao bột... do mặt hàng tôm tươi IQF là thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ vì giá của họ rất rẻ.

 

Với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp phù hợp với lợi thế lao động chế biến của Việt Nam. Đối với thị trường EU, cần phát triển dòng sản phẩm chế biến, bởi tôm tươi Ecuador đang chiếm thị phần hàng đầu ở đây.

 

Đối với thị trường, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc, Canada… Tuy nhiên, tùy thuộc tình hình, diễn biến cụ thể, mỗi năm sẽ có một thị trường dẫn dắt.

 

Dù có nhiều cơ sở để tăng trưởng song ông Hồ Quốc Lực cũng lưu ý các doanh nghiệp ngành tôm vẫn phải cẩn trọng bởi tôm Việt vẫn còn rào cản ở các thị trường quan trọng.

 

Ông Lực dẫn chứng vụ kiện chống bán phá giá tôm nước ấm vào Mỹ vẫn còn hiệu lực, hằng năm cần có sự thương lượng hai bên để duy trì mức thuế đang có là 0%, khi còn vụ kiện là rủi ro vẫn chưa chấm dứt.

 

Sản phẩm xuất khẩu vào Nhật Bản phải kiểm tra toàn bộ lô các hàng với không ít tiêu chí sinh, hóa. Hàng vào EU còn hạn chế bởi cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường này là ASC vẫn còn quá thấp. Đây là những vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ doanh nghiệp, hiệp hội mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cùng chung tay tháo gỡ.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ vọng chuyến biển đầu năm
Thứ Năm, 03/02/2022 13:00 CH
Hội nhập sâu rộng, nâng tầm vị thế
Thứ Năm, 03/02/2022 07:00 SA
“Quả vua” trên vùng đất Phú
Thứ Tư, 02/02/2022 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek