Cứ rời giảng đường là thầy lại vác ba lô miệt mài băng rừng khảo sát, tìm cây sim, cây trà Mã Dọ để nghiên cứu nhân giống, nhằm bảo tồn, phát triển cây có giá trị dược liệu, đem thu nhập kinh tế cộng đồng. Giờ thì vườn sim đã vươn cao xanh ngát, vườn ươm giống đâm chồi non lộc biếc trong tiết xuân nồng nàn, ấm áp. Ðó là ThS Nguyễn Trần Vũ (45 tuổi, Trưởng bộ môn Trồng trọt - Lâm nghiệp, Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Phú Yên).
“VŨ RỪNG” NHÂN GIỐNG SIM AN XUÂN
Một lần đi tham quan du lịch Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An, tôi bất ngờ khi gặp rừng sim rộng lớn với lác đác hoa tím nở rộ trong nắng vàng mộng mơ “… Gặp hoa sim tím ngỡ ngàng biết bao/ Ngày đi chưa kịp câu chào/ Mà nay gặp lại vẫn nao nao lòng”… Hỏi ra mới biết rừng sim này do nhóm nghiên cứu ở Trường đại học Phú Yên trồng, và thầy Nguyễn Trần Vũ là chủ nhiệm đề tài nhân giống sim.
Và rồi khi gặp “Vũ rừng” bặm bụi trên đồi sim, tôi cảm nhận được sự đam mê cháy bỏng của người thầy vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Cách đây 5 năm, trong quá trình khảo sát rừng Phú Yên, Vũ phát hiện cây sim mọc rất nhiều trong tự nhiên nhưng có nguy cơ thu hẹp dần trước áp lực của việc phát dọn và đốt thực bì để trồng keo. “Cây sim là loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn. Tôi cùng nhóm nghiên cứu (gồm những người có chuyên môn về thực vật học, nông - lâm nghiệp, công nghệ sinh học - chế biến…), đã thuê nhân công lặn lội nhiều tháng trời trên khắp các khu rừng trồng của dân để tìm đào, di thực từng cây sim về trồng lại trên diện tích hơn 3ha này”, thầy Vũ cho hay.
Bên cạnh trồng sim, Vũ cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng vườn ươm và nhân giống thành công với hơn 60.000 cây sim tơ non mơn mởn. Hiện tại, nhóm đang liên kết với người dân để trồng mở rộng vùng nguyên liệu và cam kết thu sản phẩm hoa, trái sim cho bà con. Ông Nguyễn Văn Hiến (nông dân ở xã An Xuân, huyện Tuy An) chia sẻ: “Cây sim thích nghi với vùng đất này. Nếu bà con được đầu tư giống, ký cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận cao hơn việc trồng keo bán làm nguyên liệu giấy thì mô hình trồng sim là hướng làm kinh tế triển vọng cho nông dân miền núi”.
ThS Nguyễn Trần Vũ cho biết, chúng tôi đã lên kế hoạch sản xuất thương hiệu “Rượu vang sim An Xuân”, mứt sim, kẹo sim và trà hoa sim rừng. Thực tế với cây sim, sau 3 năm trồng cho thu trái hàng năm, không trồng lại, cây càng to càng nhiều trái, về sau có giá trị lớn về cây cảnh. Với mật độ trồng 1.666 cây/ha (2m x 3m), mỗi cây thu 2kg trái. Với giá bán trái sim 20.000 đồng/kg, sẽ cho doanh thu hơn 66 triệu đồng/ha/năm. Ðây là mức thu đảm bảo lợi nhuận ổn định cho người trồng, chưa tính khoản thu khi du khách đến tham quan đồi sim...”.
XÂY DỰNG CHUỖI SẢN PHẨM DƯỢC LIỆU QUÝ
Không chỉ dừng lại ở việc nhân giống cây sim, trong mấy năm qua “Vũ rừng” còn leo núi, lội suối… tìm tòi từng cây trà Mã Dọ ở khu vực đèo Cù Mông (TX Sông Cầu) để sản xuất giống, xây dựng chuỗi sản phẩm dược liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Vườn ươm các loại cây dược liệu tại xã An Xuân, huyện Tuy An - Ảnh: NGUYÊN LƯU |
Cây trà Mã Dọ sinh trưởng và phát triển ở khu vực đèo Cù Mông trên độ cao 500-700m, từ mấy chục năm trước người dân xã Xuân Lộc đã thu hái về sử dụng làm thức uống hàng ngày. Hiện trà Mã Dọ có giá từ 2-3 triệu đồng/kg bán cho du khách mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi, được đánh giá chất lượng ngon, thơm, màu đẹp, giúp ngủ ngon và khỏe. Phải sau nhiều tháng ròng rã, nhóm của “Vũ rừng” mới mày mò nhân giống thành công. Hiện nhóm đã sản xuất được hơn 20.000 cây giống để chuẩn bị cung ứng cho người dân; đồng thời hợp tác với Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu về phát triển trồng cây trà Mã Dọ dưới tán rừng hơn 100ha tại tiểu khu 4, xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu.
“Tâm huyết của anh Vũ đã truyền lửa cho cả nhóm trong quá trình nghiên cứu những cây dược liệu giàu tiềm năng kinh tế trong tỉnh. Qua đó đầu tư bảo tồn, phát triển mạnh vùng canh tác bền vững để góp phần nâng cao đời sống của nông dân tại các khu vực miền núi Phú Yên”, ThS Trần Thanh Quang (Trường đại học Phú Yên) chia sẻ.
“ThS Nguyễn Trần Vũ là một giảng viên của trường rất đam mê nghiên cứu khoa học; bước đầu cùng nhóm cộng sự tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển những loài cây có giá trị dược liệu, kinh tế cao như cây sim, trà Mã Dọ. Các loại cây này sẽ xây dựng thành chuỗi sản phẩm từ việc nhân giống, trồng thực nghiệm, chế biến, cung ứng ra thị trường, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội”, TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên nhận định. |
NGUYÊN LƯU