Thứ Năm, 28/11/2024 07:29 SA
Phát triển kinh tế số kết nối tiêu thụ hàng hóa
Thứ Tư, 02/02/2022 07:00 SA

Kinh tế số ngày càng phát triển đã giúp sản phẩm của các doanh nghiệp Phú Yên được người tiêu dùng cả nước biết đến thông qua các hệ thống phân phối lớn - Ảnh: VÕ PHÊ

Kinh tế số phát triển đưa thương mại, giao dịch trực tuyến ngày càng mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet, ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp cho hoạt động thương mại trở thành trụ cột trong tiến trình phát triển kinh tế số của tỉnh.

 

CƠ HỘI TỪ GIAO DỊCH TRỰC TUYẾN

 

Hòa chung dòng chảy mới của thời đại phát triển kinh tế số, thị trường thương mại trực tuyến…, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Phú Yên đã và đang thay đổi cách nghĩ, cách làm để phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu trị trường; đưa hoạt động kinh doanh đứng vững, phát triển trong đại dịch COVID-19.

 

Sau 3 năm có mặt tại thị trường Phú Yên, đến năm 2021, sản phẩm Bột hạt sen Hòa Ðồng của HTX Kinh doanh nông nghiệp Hòa Ðồng (huyện Tây Hòa) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tưởng chừng chỉ phục vụ người dân Phú Yên, gặp khó khi dịch COVID-19 tác động đến thị trường, thế nhưng bằng cách kết nối, ứng dụng công nghệ số, Bột hạt sen Hòa Ðồng đã đến tay doanh nghiệp, người tiêu dùng các tỉnh và ghi tên vào danh sách sản phẩm đặc trưng trên thị trường cả nước.

 

“Từ khi HTX tiếp cận được với khách hàng xa thông qua hình thức giao thương trực tuyến và ứng dụng hệ thống bán hàng từ zalo, sàn giao dịch điện tử, Bột hạt sen Hòa Ðồng được các nhà phân phối, siêu thị lựa chọn để cung ứng trên thị trường TP Ðà Nẵng, tỉnh Ðắk Lắk… Cũng từ đây, doanh thu bán hàng tăng dần và đạt mức cao. Chỉ tính trong tháng 11/2021, doanh thu bán hàng ngang bằng với tổng doanh thu của cả năm đầu có mặt trên thị trường. Nhận thấy hiệu quả của công nghệ số, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, HTX bắt tay tạo dựng website bán hàng với niềm tin thị trường phân phối sẽ ngày càng được mở rộng và giao dịch trực tuyến thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Kinh doanh nông nghiệp Hòa Ðồng cho hay.

 

Bột ngũ cốc Faimy làm từ 11 loại hạt đậu, gạo lứt, yến mạch…cũng là sản phẩm của địa phương phát triển mạnh trên thị trường nhờ ứng dụng công nghệ số. Bà Lương Thị Huỳnh Triểm (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), chủ cơ sở Bột ngũ cốc Faimy, chia sẻ: Kết hợp với việc giới thiệu thông tin sản phẩm qua các hình thức trực tuyến, fanpage, hội nhóm bán hàng online..., sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến hơn. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư công nghệ, hoàn thiện các thủ tục về pháp lý; tiếp tục tận dụng các kênh bán hàng, tham gia chương trình hỗ trợ giao dịch của các ngành chức năng, hội đoàn thể địa phương để tăng lượng bán 2-3 tạ mỗi tháng. Chúng tôi đã cung ứng cho nhiều khách hàng ở xa với đơn hàng lớn và sản phẩm cũng đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị uy tín trong và ngoài tỉnh.

 

GIỮ THƯƠNG HIỆU BẰNG CHẤT LƯỢNG

 

Chuyển đổi số, thích ứng công nghệ không chỉ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp, mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận với đa dạng thị trường, người tiêu dùng. Các cơ sở, cá nhân bán hàng, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực trong tiến trình hòa nhập không gian, thị trường mới. Ông Lê Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản VFOODFARM (TP Tuy Hòa), cho biết: Giao dịch trực tuyến thuận lợi thì người bán, nhà cung cấp cần đầu tư nhiều hơn bởi đây là thị trường nghiêm ngặt, dễ mất khách hàng, đối tác. Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, thiết bị, nhân lực để giao dịch; hoàn thiện yêu cầu đối với sản phẩm, trong đó có chất lượng, bao bì… Không dừng lại ở một kênh, phương tiện bán hàng nào mà doanh nghiệp phải phát triển bán hàng đa kênh, tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ số để hòa nhập với yêu cầu của thương mại hiện đại.

 

Phát triển giao thương, thị trường trực tuyến… đã từng bước thể hiện vai trò kết nối, hợp tác, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan, ban ngành với các tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số theo định hướng của Chính phủ, của tỉnh về phát huy lợi thế công nghệ, đón bắt cơ hội đem lại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

 

Ðặc biệt hơn trong bối cảnh của dịch COVID-19, sự phát triển bùng nổ của kinh tế số này đã xây dựng được thị trường thương mại ngày càng lành mạnh, hiện đại; đưa hoạt động kinh doanh, mua sắm trực tuyến tới gần hơn với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp Phú Yên và các tỉnh tiếp cận dễ dàng trên con đường phát triển.

 

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Bích

 

Từng bước đổi mới, hòa nhập nền kinh tế số trong kinh doanh dịch vụ, Bưu điện tỉnh cũng là đơn vị thích ứng thành công với môi trường kinh doanh mới. Theo bà Cao Thị Hiền Lương, Giám đốc Bưu điện tỉnh, từ kết nối công nghệ, triển khai các hoạt động giao dịch trực tuyến, Bưu điện tỉnh đã có thể phát triển dịch vụ, phân phối nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng. Với lợi thế mạng lưới rộng khắp, Bưu điện tỉnh đã hợp tác với một số đơn vị như Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh… hướng dẫn, đào tạo các hộ sản xuất về kỹ năng hoạt động trên môi trường số; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối mới thông qua nền tảng số; gắn sản phẩm với thương hiệu, chất lượng; từng bước đưa hàng hóa, nông sản của tỉnh hướng đến các thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

 

Ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một trong những phương án hữu hiệu, giúp doanh nghiệp Phú Yên vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề tiêu thụ hàng hóa và mang đến cơ hội mới từ nhu cầu phát sinh của thị trường. Thêm vào đó, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng trong việc tổ chức phân phối hàng hóa trên các kênh bán hàng quy mô lớn như Shopee, Vỏ Sò, sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh; tổ chức hợp tác, kết nối giao thương với doanh nghiệp các tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, trưng bày sản phẩm ở các thành phố lớn; thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần thay đổi… cũng đã góp phần cho thành công này.

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek