Thứ Hai, 07/10/2024 03:26 SA
Ngân sách hỗ trợ ngư dân gần như... đứng im
Thứ Năm, 10/07/2008 14:13 CH

Ngày 8/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức giao ban trực tuyến với 28 tỉnh ven biển về nội dung thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg về việc hỗ trợ ngư dân. Thông tin từ hội nghị này cho thấy, sau gần 4 tháng triển khai, ngư dân mới nhận được hơn 600 triệu đồng hỗ trợ theo tinh thần của Quyết định số 289/QĐ-TTg.

 

tau-Tuy-Hoa-080710.jpg

Việc chậm hỗ trợ theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ khiến ngư dân gặp khó khăn vì giá dầu ngày càng tăng. Trong ảnh: Việc đánh bắt xa bờ của tàu thuyền phường 6 (TP Tuy Hòa) chỉ cầm chừng do ngư dân thu không đủ bù phí tổn - Ảnh: N.LƯU

 

CÒN NHIỀU CHỒNG CHÉO

 

Quyết định 289 của Chính phủ về hỗ trợ dầu cho ngư dân có hiệu lực từ tháng 3/2008. Nhưng 3 tháng đã trôi qua, ngư dân các địa phương vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do các quy định còn chồng chéo.

 

Theo các ý kiến đưa ra tại buổi giao ban, có quá nhiều bất cập mà Thông tư 35 đưa ra, khiến các địa phương khó khăn. Nếu chiếu theo Thông tư 35/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 289 QĐ-TTg, chắc chắn phần lớn tàu thuyền sẽ không được hưởng hỗ trợ. Hầu hết các ý kiến cho rằng các đối tượng được hưởng hỗ trợ phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn khá ngặt nghèo. Cụ thể, việc mua mới, đóng mới tàu cá quy định hoàn thành thủ tục đăng kiểm, đăng ký, có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy đăng ký kinh doanh (tàu làm dịch vụ), hoàn thành mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.

 

Tương tự đối với thủ tục đề nghị để ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ về thay máy tàu, kinh phí bảo hiểm và xăng dầu cũng còn rườm rà, chồng chéo nhau. Thông tư quy định đối với việc hỗ trợ dầu cho ngư dân thì phải có báo cáo hoạt động đi biển, nhưng trước đó Bộ NN – PTNT lại chưa ban hành mẫu này. Thực tế, việc làm báo cáo đối với ngư dân không phải là chuyện đơn giản. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần có mẫu cụ thể, đơn giản để ngư dân có thể điền một cách dễ dàng. Về vấn đề hỗ trợ dầu, có ý kiến kiến nghị, quy định hỗ trợ tiền dầu theo Thông tư số 35 của Bộ Tài chính là căn cứ vào số lần đánh bắt là không phù hợp. Bởi thực tế, tùy loại thủy, hải sản đánh bắt mà ngư dân có số lần đi biển khác nhau. Bên cạnh đó, có thể xem xét hỗ trợ theo số lần đi đánh bắt chứ không nhất thiết phải chờ đủ 6 tháng mới hỗ trợ.

 

Về việc mua bảo hiểm cho các thuyền viên cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Có người thì cho rằng Chính phủ chỉ hỗ trợ mua bảo hiểm cho các thuyền viên của những tàu trên 90CV. Ý kiến khác lại cho rằng, tất cả các thuyền viên đều được hỗ trợ mua bảo hiểm. Giải thích rõ hơn vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng Phạm Văn Dũng (Bộ Tài chính) cho biết: “Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện nay có khoảng 1 triệu thuyền viên đang hoạt động trên biển. Chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ mua bảo hiểm cho tất cả các thuyền viên thuộc tất cả các loại tàu đang hoạt động trên biển”.

 

MỌI CƠ CHẾ ĐỀU PHẢI LINH HOẠT

 

Đại diện Vụ Tài chính (Bộ NN-PTNT) cho rằng, có thể chi trả một lần nếu các tàu đã thực hiện xong 6 tháng hoạt động khai thác trên biển (tương đương 180 ngày). Các địa phương cũng tùy điều kiện cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Đối với một số loại văn bản, giấy tờ của địa phương có tên gọi khác với các văn bản mà Bộ NN-PTNT hướng dẫn (ví dụ như giấy đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận đã đăng ký, giấy lưu hành phương tiện, giấy phép khai thác hải sản) thì sẽ có chỉnh sửa trong thời gian sớm nhất để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

 

Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng Phạm Văn Dũng (Bộ Tài chính) cho rằng, việc triển khai của các địa phương quá chậm chạp. Các địa phương lại quá cứng nhắc trong việc thực hiện các văn bản pháp quy của Nhà nước. Đến nay, Bộ Tài chính đã tạm ứng kinh phí được 3 đợt cho các tỉnh (đợt 1 cho 16 tỉnh thành, đợt 2 cho 4 tỉnh thành và gần đây nhất mới có thêm 7 tỉnh gửi báo cáo dự toán kinh phí về Bộ Tài chính).

 

 

Một số ý kiến tại buổi giao ban cũng khẳng định, các địa phương cần thống nhất trường hợp nào để biên phòng xác nhận và trường hợp nào thì UBND xã, phường xác nhận đối với hoạt động của tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Có thể tạm ứng cho ngư dân

 

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề lớn nhất là an sinh xã hội và đời sống của ngư dân. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ giải quyết các thủ tục để có thể hỗ trợ tiền cho ngư dân trong thời gian sớm nhất. Nếu thấy thủ tục đã “tạm rõ” thì có thể tạm ứng cho ngư dân. Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo có thể tạm ứng cho dân để thể hiện quyết tâm của Chính phủ giúp đỡ nông dân. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo thực hiện nhanh Quyết định 289.

 

                             

VŨ HẠNH -  (VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek