Thứ Hai, 07/10/2024 05:45 SA
Công nhân ở các khu công nghiệp:
Lương thấp, đời sống khó khăn
Thứ Năm, 10/07/2008 07:00 SA

Rất nhiều chế độ của công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp (KCN) như hợp đồng lao động (HĐLĐ), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH)... và những nhu cầu bức thiết phục vụ đời sống như nơi ăn, chốn ở, điểm vui chơi giải trí... hiện chưa được đảm bảo. Điều đó khiến họ thiếu gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

nha-may-npk-080709.jpg
CNLĐ đang làm việc tại Nhà máy Phân bón N.P.K ở KCN Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: N.HÂN

 

TẤT CẢ CÁC KCN ĐỀU THIẾU CÔNG NHÂN

 

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại nghề cho CNLĐ. Sự cố gắng đó đã góp phần nâng tỉ lệ CNLĐ đã qua đào tạo nghề trong tỉnh lên 25 – 28%. Song, tỉ lệ này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong thời kỳ hội nhập.

 

Riêng đối với các KCN thì hàm lượng CNLĐ qua đào tạo nghề còn thấp hơn rất nhiều, mặc dù hiện nay hầu hết các DN đang hoạt động sử dụng công nghệ sản xuất với trình độ bình thường, chưa đòi hỏi nhiều về lao động có kỹ thuật cao. Một số DN ở các KCN đã chú ý đào tạo lại ngay tại nơi sản xuất để đảm bảo cho CNLĐ tiếp thu công nghệ mới, kỹ thuật cao, chủ động về nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, quan hệ lao động trong các KCN thường xuyên biến động, thiếu tính ổn định, gây bất lợi cho sự phát triển của DN.

Hiện nay, tất cả các KCN ở Phú Yên đều thiếu CN trầm trọng; riêng KCN Đông Bắc Sông Cầu thiếu đến hàng ngàn CN.

 

LƯƠNG THẤP, CÁC CHẾ ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO

 

Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất khiến lực lượng CNLĐ ở các KCN ở Phú Yên luôn thiếu và biến động, đó là sự thống nhất lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động còn ở mức rất thấp.

 

Hiện nay, thu nhập hàng tháng của CNLĐ ở mức hơn 950.000 đồng/người/tháng; trong đó, cao nhất là ngành cơ khí: hơn 1,7 triệu đồng, thấp nhất là ngành chế biến gỗ: hơn 800.000 đồng. Với mức thu nhập ấy trong thời “bão giá” hiện nay, một bộ phận lớn CNLĐ không đủ chi phí cho các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu để tái tạo sức lao động.

 

Thu nhập khiêm tốn, trong khi việc thực hiện chế độ HĐLĐ, BHXH, BHYT còn nhiều bất cập đã gây thiệt thòi không nhỏ cho CNLĐ. Hiện tượng “lách luật” bằng cách ký HĐLĐ dưới 3 tháng đối với người lao động làm một công việc ổn định, lâu dài để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT hiện khá phổ biến. Số CNLĐ hiện nay được đóng BHYT, BHXH ở Phú Yên chỉ đạt mức 45% so với tổng số lao động và 70% so với lao động có HĐLĐ trên 3 tháng. Chỉ có 29/40 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động, 24/40 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký thang, bảng lương… Hiện các KCN có 13 doanh nghiệp (DN) đã thành lập CĐCS, nhưng cũng chỉ có 6 DN xây dựng thỏa ước lao động tập thể giữa chủ DN và người lao động. Những căn cứ pháp lý tạo nên mối liên kết chặt chẽ và niềm tin của NLĐ đối với DN chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

 

Vấn đề nhà ở, phương tiện đi lại, nơi sinh hoạt cho NLĐ, cơ sở y tế, nhu cầu vui chơi giải trí, phúc lợi công cộng… hiện mới chỉ có trong quy hoạch, còn trong thực tiễn thì chưa có gì. Theo thống kê mới nhất, 95% CNLĐ ở các KCN Phú Yên hiện nay là người địa phương, đại đa số ở nông thôn. Do tất cả các KCN hiện chưa có chỗ trú cho CN nên sau những giờ làm việc mệt nhọc, hầu hết họ đều cọc cạch đạp xe về nhà; nhiều người có xe máy vẫn không dám đi vì lương CN không đủ để đổ xăng đi hàng tháng. Những trường hợp nhà xa phải đi mất hàng giờ, thậm chí có CN phải mất vài giờ mới về đến nhà. Những lúc ca ba, có biết bao nguy cơ tiềm ẩn rình rập họ trên đường về, nhất là khi hơn 70% lao động là nữ. Xuống các KCN vào buổi trưa sau khi tan ca, không thể không xót xa khi nhìn thấy những CNLĐ tranh thủ “ngã lưng” dưới bóng mát ít ỏi bên cạnh nhà xưởng, hoặc ngồi nghỉ ngay trong nhà ăn, căng tin để chờ đến giờ làm việc buổi chiều.

 

Các vấn đề thiết thân như môi trường và điều kiện lao động, an toàn lao động, bảo hiểm lao động, cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ… còn tồn tại nhiều bất cập, rất đáng quan tâm.

 

CNLĐ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN

 

Những thực tế trên cho thấy, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của một bộ phận lớn CNLĐ trong các KCN chưa bảo đảm, chưa được phân phối theo đúng giá trị lao động mà họ đã đóng góp cho DN và cho xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của họ còn ở mức thấp, không đủ để tái tạo sức lao động. CNLĐ trong các KCN, bằng sức lao động của chính họ đã, đang và sẽ đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển xã hội, cho sự nghiệp CNH-HĐH. Vì vậy, các DN cần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, đảm bảo  đời sống vật chất, tinh thần của họ phải được quan tâm đúng mức, tương xứng với lao động mà họ đóng góp cho DN.

 

HƯNG DIỆU

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek