Thứ Tư, 02/10/2024 00:40 SA
Thị trường bảo hiểm
“Cuộc chiến” không khoan nhượng
Chủ Nhật, 02/04/2006 14:24 CH

Thị trường bảo hiểm ở Phú Yên ngày càng sôi động khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước cạnh tranh quyết liệt. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tung ra nhiều chiêu thức cạnh tranh song nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn độn và nhiều khi khách hàng trở thành nạn nhân.

 

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM TĂNG NHANH

 

Nhiều năm trước đây ở Phú Yên chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty bảo hiểm Phú Yên (thuộc Bảo hiểm Việt Nam). Năm 1997, thế độc quyền ấy bị phá vỡ khi Công ty bảo hiểm TP Hồ Chí Minh chính thức nhảy vào Phú Yên. Cũng từ đây cuộc cạnh tranh bắt đầu diễn ra giữa hai nhà bảo hiểm được xem là hàng đầu ở Việt Nam. Cuộc cạnh tranh ấy ngày càng trở nên quyết liệt hơn khi các doanh nghiệp khác như PJico (Bảo hiểm của Tổng Công ty Xăng dầu Việt nam), Bảo Long (Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng), Bảo hiểm bưu điện, Bảo hiểm Viễn Đông và mới đây là bảo hiểm dầu khí lần lượt đặt văn phòng đại diện hoặc tổng đại lý ở Phú Yên. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tập đoàn bảo hiểm Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều doanh nghiệp khác ở nước ngoài và cả trong nước như Prudetial (Anh), AIA (Mỹ) Chinfon Manuelye, Bảo Minh CMG… Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã giúp khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ hơn. Nhờ có hệ thống văn phòng, đại lý mà nhiều vụ tai nạn rủi ro của các phương tiện ngoài tỉnh xảy ra trên địa bàn Phú Yên hoặc xe của Phú Yên bị tai nạn ở tỉnh ngoài đã được giám định, giải quyết thường nhanh chóng hơn.

 

060402-nhan-tho.jpg

Nhân viên bảo hiểm tu vấn cho khách hàng - Ảnh: Hoài Trung

 

CUỘC CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT

 

Với việc cùng lúc có nhiều nhà bảo hiểm ở một thị trường không lớn như Phú Yên thì việc cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng là điều tất yếu. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã sử dụng nhiều chiêu thức cạnh tranh khác nhau. Trong lĩnh vực phi nhân thọ, phổ biến nhất vẫn là giảm phí, khuyến mãi, bốc thăm trúng những giải thưởng… Các doanh nghiệp bảo hiểm đều đầu tư chi phí lớn cho cuộc cạnh tranh. Chỉ riêng tỷ lệ trích lại hoa hồng cho các cửa hàng bán xe gắn máy đã rất lớn. Mức thấp nhất là 15000đồng cho một chứng nhận bảo hiểm còn cao nhất lên đến 28000 đồng. Theo tính toán, với hoa hồng cao như vậy nếu cộng cả thuế, biên lai ấn chỉ, lương thì số tiền còn lại của một chứng nhận bảo hiểm xe máy chỉ hơn 50%. Với những công trình, tài sản, phương tiện, con người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách đi “cửa sau”. Không ít doanh nghiệp bảo hiểm đã dùng. Vậy nên mới có chuyện có nhiều công trình cần bảo hiểm ở Phú Yên đã lôi doanh nghiệp bảo hiểm tỉnh ngoài về tham gia để khi tổn thất rủi ro xảy ra doanh nghiệp ấy lại khước từ trách nhiệm. Cạnh tranh quyết liệt nhất có lẽ là lĩnh vực bảo hiểm học sinh, giáo viên. Đây là nghiệp vụ mà doanh nghiệp nào cũng bị lỗ thế nhưng không nhà bảo hiểm nào có thể bỏ trận địa này. Các doanh nghiệp bảo hiểm luôn tổ chức chiến dịch “vận động hành lang” bằng cách tặng quà cho trường, tài trợ cho các chương trình của ngành giáo dục và cả cho lãnh đạo trường. Thế nhưng không ít doanh nghiệp bảo hiểm phải “ngậm bồ hòn” khi một số phòng giáo dục, một số trường chơi trò “bắt cá hai tay” một lúc nhiều doanh nghiệp cùng vận động giáo viên, học sinh tham gia bảo hiểm.

 

Ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cuộc cạnh tranh càng quyết liệt hơn. Hiện nay việc tặng quà nhân sinh nhật, lễ tết cho khách hàng đã trở thành chuyện nhỏ. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tiềm lực tài chính còn có chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho những hợp đồng có giá trị lớn. Gần đây, việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ngày ngày khó đi do các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao. Do đó chuyện các đại lý đi khai thác bảo hiểm tung thông tin xấu lẫn nhau đã trở thành phổ biến. Nguyên tắc luôn luôn trung thực với khách hàng bị nhiều đại lý bỏ qua khi một số người cố gắng khai thác cho được hợp đồng kiếm hoa hồng trong một vài năm đầu để rồi sau đó bỏ mặc khách hàng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều đại lý phi  nhân thọ mà hậu quả là khách hàng phải hứng chịu tất cả những phiền toán và rủi ro, tổn thất.

 

Cạnh tranh là một qui luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Song cạnh tranh cần phải lành mạnh chứ không thể theo kiểu chụp giựt. Những kiểu cạnh tranh, kinh doanh ngoài khuôn khổ hành lang pháp lý cần sớm được chấn chỉnh nhằm lập lại trật tự trong thị trường bảo hiểm.

 

HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek