Thứ Tư, 02/10/2024 02:24 SA
Ba chương trình lớn tạo đột phá cho ngành thủy sản
Thứ Năm, 30/03/2006 08:18 SA

Để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2010 như Nghị quyết 05/TU của Tỉnh ủy đã đề ra, trong năm 2006 và những năm tiếp theo ngành thủy sản Phú Yên tiếp tục phát huy lợi thế từ nuôi trồng, khai thác xa bờ tạo sự phát triển bền vững. Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngư nghiệp và ngư thôn đạt hiệu quả, đòi hỏi phải hội đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật đến hệ thống quản lý, quy hoạch, chính sách đầu tư phát triển nuôi trồng, khai thác… Để đạt được kết quả này, ngành thủy sản đề ra các giải pháp cụ thể bao gồm:

 

ĐA DẠNG HÓA ĐỐI TƯỢNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

 

Khuyến khích ngư dân phát triển khai thác xa bờ – Ảnh: N.L

Quy hoạch lại các vùng nuôi, đầu tư thủy lợi đồng tôm, cải tạo những vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiện đang bị ô nhiễm là yêu cầu bức thiết hiện nay. Nghiên cứu hình thức đầu tư hạ tầng vùng NTTS và kinh doanh hạ tầng giống như các khu công nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý cộng đồng, xử lý môi trường, xử lý dứt điểm dịch bệnh tôm sú nuôi kéo dài nhiều năm. Phát triển nuôi đa dạng các loài thủy sản có giá trị xuất khẩu, nhằm tăng thu nhập kinh tế cho dân đang là mục tiêu lớn của ngành thủy sản. Do vậy, ngành thủy sản các địa phương tiếp tục nuôi tôm sú, mở hướng phát triển tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch; mở rộng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng nuôi mới ở một số vùng nuôi tôm kém hiệu quả; ưu tiên phát triển các dự án và các mô hình nuôi lồng bè trên biển và trên các hồ nước lớn. Tăng cường công tác kiểm dịch giống, quản lý thức ăn và thuốc thú y thủy sản. Đồng thời triển khai các chương trình nuôi vẹm xanh ở cửa đầm Ô Loan (huyện Tuy An), nuôi ốc hương; thí điểm ương nuôi bào ngư, cá rô phi đơn tính xuất khẩu… Đây là cơ hội để người dân có điều kiện học tập, áp dụng nuôi đạt hiệu quả và bền vững. Ngành đẩy mạnh công tác khuyến ngư và chuyển giao công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, nuôi thủy sản thương phẩm không sử dụng thuốc kháng sinh…

 

PHÁT TRIỂN KHAI THÁC THỦY SẢN XA BỜ

 

Trong nhiều năm qua, nghề đánh bắt cá nổi, cá ngừ đại dương đã góp phần đắc lực chuyển đổi thuyền nghề khai thác khơi, làm giảm mạnh áp lực tàu thuyền nhỏ khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven biển, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng thu nhập và làm thay đổi nhiều mặt ở các làng xã ven biển. Do vậy, ngành thủy sản tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách, giải pháp đồng bộ về vốn, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng lao động ven bờ, nhằm giảm bớt đến áp lực môi trường sinh thái, phục hồi khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngành khuyến khích ngư dân phát triển đóng tàu đánh bắt xa bờ, cung cấp kịp thời cho ngư dân thông tin về ngư trường, đối tượng mùa vụ đánh bắt, giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm hải sản; tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác thủy sản ven bờ bằng chất nổ, xung điện, chất độc…; tập trung đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu cá, kiểm tra trang bị an toàn lao động cho người hoạt động trên biển. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng thuyền viên đánh bắt xa bờ, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, bồi dưỡng kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; tổng kết và nhân rộng các mô hình khai thác xa bờ có hiệu quả. Nhân rộng hơn nữa phong trào đánh bắt cá ngừ đại dương. Trước mắt, tăng cường đẩy mạnh hoạt động đầu tư vốn vay cho dân đóng tàu có công suất lớn; cơ sở vật chất kỹ thuật, xúc tiến xây dựng Trung tâm mua bán cá ngừ hiện đại tại bến cá phường 6 nhằm cải thiện hệ thống phân phối cá ngừ tại Phú Yên để nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.

 

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHẾ BIẾN THỦY SẢN XUẤT KHẨU

 

Năm 2006 ngành thủy sản Phú Yên phấn đấu đạt mức tăng trưởng thủy sản 14%, tổng sản lượng thủy sản đạt 34.000 tấn, nuôi trồng thủy sản 3.500 tấn; kim ngạch thủy sản xuất khẩu 10 triệu USD… Đến năm 2010 Phú Yên phấn đấu đạt 34.000 tấn thủy sản đánh bắt và 8.000 tấn thủy sản nuôi trồng.

Tỉnh đã có những chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế và hộ gia đình đầu tư phát triển chế biến xuất khẩu thủy sản.

 

Về lâu dài sẽ điều tra một cách chính xác sản lượng các loại hải sản từng vùng; đồng thời nắm chắc các đầu mối tiêu thụ hải sản trong tỉnh. Trên cơ sở đó tăng năng lực quản lý, thiết lập mối quan hệ với các đơn vị kinh doanh, nhà máy chế biến xuất khẩu cả trong và ngoài nước để xây dựng những vệ tinh thu mua nguyên liệu hải sản ổn định tại Phú Yên. Chính quyền địa phương, các chi hội nghề cá ở các xã ven biển cần tham gia quản lý, liên kết giữa người mua và người bán dân, đứng ra vận động ngư dân thống nhất bán hải sản với giá theo thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh có chiến lược xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng chủ lực của tỉnh như: cá ngừ đại dương, tôm hùm, cá cơm khô, nước mắm…; phát triển công nghệ chế biến; đồng thời đầu tư mạnh sản xuất nguồn nguyên liệu hải sản tập trung và có giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống và tạo nghề mới như chế biến đồ hộp, surimi cá…

 

            VÕ CHÂU 

Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek